Lan tỏa gương sáng vì cộng đồng

05/12/2022 - 06:55

 - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh An Giang có rất nhiều tập thể, cá nhân thầm lặng làm việc có ích cho cộng đồng. Những việc làm của họ ít người biết đến, nhưng đang hàng ngày, hàng giờ góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã xây dựng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực chăm lo cho hội viên phụ nữ, như: Mô hình “Tiết kiệm 5.000 đồng/hội viên/tháng”, “Tương trợ mua bảo hiểm y tế (BHYT)”, “Hùn vốn xoay vòng”, mô hình “Ống heo tiết kiệm”, “Hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện”...

Ngoài ra, hội triển khai và vận động hội viên thực hiện tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt hàng ngày, tiết kiệm chi tiêu trong gia đình. Từ việc tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày, các chị tham gia mô hình “Ống heo tiết kiệm, tương trợ mua BHYT, hùn vốn phát triển kinh tế”.

Qua đó, đã có 5 tổ 89 thành viên tham gia với định mức từ 200.000 - 1.000.000 đồng/tháng/thành viên. Kết quả đến nay, có 28 thành viên nhận vốn với tổng số tiền 238 triệu đồng. Từ số vốn trên, các thành viên đã mở rộng việc mua bán, kinh doanh, mua BHYT cho người thân, mua trang thiết bị, dụng cụ cần thiết cho gia đình, chi phí học tập cho con em, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những tấm gương thầm lặng hết lòng vì cộng động

Hay mô hình xe chuyển bệnh miễn phí hoạt động bất kể ngày đêm, hỗ trợ chuyển người bệnh, người bị tai nạn đến nơi khám, chữa bệnh mà không thu khoản phí nào đã và đang lan tỏa rộng khắp, góp phần giúp đỡ các bệnh nhân nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn. Từ khi có đội xe đến nay đã hạn chế những trường hợp đáng tiếc xảy ra, như: Các bà mẹ sinh rớt, tử vong do sinh khó và bệnh nặng qua đời trước khi đưa đến bệnh viện...

Chỉ tính riêng đội xe chuyển bệnh từ thiện của thị trấn Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), trung bình mỗi tháng đã chuyển bệnh cấp cứu 60-70 lượt bệnh nhân trong và ngoài địa phương, với tổng kinh phí khoảng 45 triệu đồng. Bên cạnh đó, các tài xế là người tình nguyện hoạt động thầm lặng không lương. Bất cứ ai tham gia cũng rất nhiệt tình phục vụ, thậm chí có người không nhận tiền hỗ trợ, mà còn xuất tiền túi để giúp đỡ người bệnh nghèo.

Ngoài ra, còn có gương chị Lê Thị Kim Loan (thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới) thường xuyên tham gia công tác từ thiện - xã hội ở trong và ngoài tỉnh. Vào các ngày lễ, Tết hay những ngày rằm lớn đều tổ chức nấu ăn miễn phí, phát rau củ quả và gạo cho hộ khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo và hỗ trợ đột xuất cho các gia đình khó khăn, hỗ trợ bà con trong lúc khó khăn, bệnh tật.

Đặc biệt, trong lúc dịch bệnh COVID-19 hoành hành, nhằm chia sẻ phần nào khó khăn với mọi người, chị Loan và gia đình cùng với tổ chức hội tham gia hỗ trợ bà con trong công tác phòng, chống dịch, như: Thành lập “Bếp ăn 0 đồng” tham gia hỗ trợ nấu ăn “Bếp ăn 0 đồng” tại xã Long Điền A, Hội An... mỗi ngày nấu trên 200 suất ăn với tổng số suất ăn đã nấu trên 10.000 phần, tổng số tiền thực hiện trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, chị Loan còn cùng với các thành viên trong tổ “Bếp ăn 0 đồng” vận động nhu yếu phẩm phát cho bà con trong các khu vực cách ly trên 5 tấn rau, củ, quả các loại với mong muốn “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Hay tấm lòng của các bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, lương y, tình nguyện viên của các phòng khám nhân đạo, phòng chẩn trị y học cổ truyền thuộc các hội chữ thập đỏ, hội đông y ở khắp các địa phương trong tỉnh đang tham gia chăm sóc sức khỏe các bệnh nhân nghèo tự nguyện, miễn phí. Tiêu biểu như phòng khám nhân đạo Hội Chữ thập đỏ huyện Tịnh Biên với các máy móc, trang thiết bị, như: Máy sóng ngắn, máy Laser, máy từ rung nhiệt, máy siêu âm điều trị khớp, máy nội mạch, máy rung, máy châm cứu...

Trung bình mỗi ngày phòng khám phục vụ từ 95-150 bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân nội trú cho khoảng 35 người bệnh ở khắp các địa phương và bệnh nhân ở Campuchia sang điều trị bệnh, phục hồi chức năng sau tai biến, đau thần kinh tọa, viêm xoang, gai cột sống, gai xương, chủ yếu điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền, như: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, vật lý trị liệu… Ngoài ra, các bệnh nhân ở xa và thân nhân nuôi bệnh còn được cung cấp cơm, cháo và nước sôi hoàn toàn miễn phí...

Và còn rất nhiều các tổ chức, cá nhân với những việc làm thiện nguyện giúp đỡ mọi người. Chính những hình ảnh đẹp, sống có trách nhiệm và thầm lặng giúp ích cho đời,  đang dần trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân An Giang. Hy vọng rằng, ngày càng có nhiều hơn nữa những tấm gương thiện nguyện tiếp tục truyền cảm hứng về tình cảm, trách nhiệm và niềm tin đối với cộng đồng, bồi đắp thêm truyền thống đoàn kết, “Tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng quê hương An Giang giàu đẹp, văn minh và đầy nghĩa tình.

TRỌNG TÍN