Theo hãng tin RT, Thủ tướng Fico dự kiến hôm 24/1 sẽ tới thành phố biên giới Uzhgorod của Ukraine, và gặp người đồng cấp Ukraine Denis Shmygal.
Ông Fico nhận định cuộc xung đột Nga – Ukraine không thể được giải quyết bằng biện pháp quân sự, và phải kết thúc bằng sự thỏa hiệp, điều này có thể “gây đau đớn cho cả 2 bên”.
Binh sĩ Ukraine. Ảnh: Washington Post
“Người Ukraine đang chờ đợi điều gì? Nga sẽ rời khỏi Donbass và Lugansk, hay họ sẽ rời khỏi bán đảo Crưm? Điều đó là không thực tế”, ông Fico nhấn mạnh.
Ông còn cho rằng sự tiếp diễn của cuộc xung đột ở Ukraine sẽ chỉ khiến Nga ngày càng mạnh hơn. Thậm chí, ông nhấn mạnh Ukraine “không phải là một quốc gia có chủ quyền và độc lập” do “hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ Mỹ”.
Đáp trả, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ukraine Aleksander Merezhko đã yêu cầu hủy chuyến thăm của ông Fico vì “những phát biểu đáng hổ thẹn”, và vượt qua “giới hạn đỏ”.
Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, vùng Kherson và Zaporizhzhia ở Ukraine đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi năm 2022. Trước đó, bán đảo Crưm thuộc Ukraine cũng đã sáp nhập vào Nga kể từ năm 2014.
Hungary không gửi vũ khí cho Kiev
Hôm 22/1, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này sẽ không tham gia tài trợ cung cấp vũ khí cho Ukraine theo Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF), cũng như không can thiệp vào quyết định của các nước khác.
Trước đó, tờ Wall Street Journal đưa tin Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS) đang xây dựng kế hoạch mới cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine mà bỏ qua quyền phủ quyết của Hungary liên quan tới gói hỗ trợ tài chính trung hạn của Liên minh châu Âu (EU) cho Kiev trị giá 50 tỷ Euro (55 tỷ USD).
“Hungary trước đây đã không gửi vũ khí, và sau này cũng không gửi. Chúng tôi sẽ không tham gia vào bất cứ quyết định, hay tiến trình nào dẫn tới việc tăng cường cung cấp quân sự cho Ukraine. Budapest không thể, và không muốn ngăn cản các nước khác gửi vũ khí theo quyết định của họ”, ông Szijjarto chia sẻ với kênh M1 của Hungary.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Hungary đã liên tục phản đối gửi vũ khí cho Kiev. Quốc hội Hungary còn ban hành sắc lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Ukraine từ lãnh thổ Hungary. Hungary cho rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ kéo dài, và làm leo thang cho xung đột.
Theo VietNamNet