Lấy ý kiến xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự

06/08/2024 - 06:28

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Lực lượng chức năng kiểm tra phòng cháy, chữa cháy

Phạt tiền hành vi không báo cháy

Dự thảo của Bộ Công an bổ sung xử phạt đối với các hành vi, như: Không gửi báo cáo khi có thay đổi các điều kiện an toàn về PCCC, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật; không thực hiện các yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung đối với hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC; không bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ khi có sự thay đổi, cải tạo so với hiện trạng ban đầu; không lắp đặt phương tiện chiếu sáng tại các vị trí trang bị phương tiện PCCC theo quy định của pháp luật...

Dự thảo đề xuất các mức phạt, như: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng với một trong những hành vi làm mất tác dụng của nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ, biển chỉ dẫn về PCCC, cứu nạn, cứu hộ; phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng đối với một trong những hành vi làm mất tác dụng của lối, đường thoát nạn, không có hệ thống bảo vệ chống khói cho nhà, công trình theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 5 - 15 triệu đồng đối với một trong những hành vi khóa, chặn cửa thoát nạn... Đặc biệt, dự thảo cũng bổ sung quy định mới trong nghị định hiện hành chưa có và đề xuất phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng với hành vi không báo cháy, sự cố, tai nạn hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn.

Bên cạnh đó, nâng mức phạt tiền với các hành vi vi phạm về PCCC trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư, xây dựng… với mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng. Theo đó, phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng với hành vi không làm hoặc không duy trì tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, cửa ngăn cháy và các giải pháp ngăn cháy theo quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng với hành vi không có biện pháp và phương tiện bảo đảm an toàn về PCCC trong quá trình thi công, xây dựng công trình hoặc hạng mục công trình theo quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 8 - 15 triệu đồng với hành vi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng công trình, hạng mục công trình hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định của pháp luật.

Xử phạt hành vi cầm cố thẻ căn cước

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc cầm cố chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân (CCCD) bị nghiêm cấm và bị xử phạt theo quy định. Tùy vào tính chất và hành vi mà người cầm cố CCCD, người nhận cầm cố CCCD sẽ có mức xử phạt tương ứng.

Từ ngày 1/7/2024, thẻ căn cước được ban hành, thực chất chỉ là sự thay đổi tên gọi của CCCD, do đó, việc cầm cố thẻ căn cước cũng là hành vi bị nghiêm cấm giống như CMND hay CCCD. Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021, trong đó nêu rõ mức phạt đối với hành vi cầm cố thẻ căn cước. Theo đó, tại Khoản 4, Điều 10, Bộ Công an bổ sung quy định về xử phạt đối với hành vi thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố thẻ căn cước, mức phạt 4 - 6 triệu đồng.

Tại Điều 5, Luật Căn cước năm 2023 quy định công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có nghĩa vụ “xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước  hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật". Như vậy, với những quy định nêu trên, việc cầm cố CMND, CCCD, thẻ căn cước hiện nay là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 144/2021. Đồng thời, áp dụng xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hiệu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Theo quy định của pháp luật, cả bên cầm cố và bên nhận cầm cố đều bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.

Những đề xuất nêu trên trong dự thảo của Bộ Công an, kỳ vọng sẽ nâng cao ý thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong chấp hành pháp luật, nhất là tuân thủ nghiêm các quy định về PCCC, cứu nạn cứu hộ, góp phần giảm thiểu nguy cơ và thiệt hại do cháy nổ gây ra.

N.R (Tổng hợp)