Điện Cây Quế tọa lạc trên vồ đá cheo leo, hùng vĩ của núi Cấm
Hành trình ngược dốc
Không phải là chuyến đi bằng xe gắn máy chuyên dụng cho cung đường trên núi. Cũng không phải là đoạn đường mới mẻ với 11 khúc cua "chữ S" đầy tính trải nghiệm để lên điện Cây Quế, đoàn chúng tôi tìm đến điểm tín ngưỡng linh thiêng này bằng việc đi bộ băng qua những con đường dốc ngược.
Trước khi khởi hành, từ Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên), tôi đưa mắt nhìn lên vồ đá cheo leo - mà độ cao được người dân địa phương phỏng đoán chừng 300m - nơi điện Cây Quế tọa lạc. Sau khi băng qua cánh đồng thốt nốt, tôi bắt đầu vã mồ hôi với đoạn dốc đầu tiên. Anh bạn phụ trách hướng dẫn đoàn chốc chốc lại hô to: “Cố lên mọi người ơi, điện Cây Quế chỉ nằm ở độ cao vài trăm mét, nhanh đến lắm!”.
Nghe vậy, mọi người hào hứng đi. Chừng 30 phút sau, mồ hôi tuôn ra như tắm, tôi cố gắng lê đôi chân nặng trịch để leo từng bước dốc. Có đoạn, mọi người phải nắm vào sợi dây thừng to bản để đi lên. Đưa tay vuốt lớp mồ hôi cay xè, mặn chát, tôi hỏi anh Linh (Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm) về huyền tích điện Cây Quế. Anh Linh nhớ lại: “Nghe người lớn tuổi ở vùng này kể, trước kia khu vực vồ đá mà điện Cây Quế tọa lạc hiện giờ có một cây quế rất lớn, tỏa hương thơm ngào ngạt núi rừng. Người ta đến đó lấy quế về làm thuốc chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Cũng nhờ cây quế mà cư dân sinh sống quanh núi Cấm giai đoạn đó thoát được trận dịch lớn. Từ đó, họ lập điện thờ theo tập quán tín ngưỡng dân gian. Hiện nay, cây quế cổ thụ không còn, nhưng tên gọi điện Cây Quế là nhân chứng cho huyền thoại đó”.
Đoàn chúng tôi tiếp tục đi qua những vườn xoài mà thân cây phải đến 2-3 người ôm mới giáp. Trời càng trưa, không gian càng tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng chim líu ríu trong vòm lá. Thi thoảng mới nghe tiếng người phía sau vọng đến: “Tới chưa mọi người ơi!”. Người hướng dẫn đoàn đáp lại bằng cú pháp cũ: “Cố lên, sắp tới điện Cây Quế rồi. Trên đó đẹp lắm!”. Sau câu nói quen thuộc đó, mọi người cắm cúi đi, bước chân chậm rãi trên đá núi.
Tôi ngồi phịch xuống tảng đá to, nhấp ngụm nước và hỏi chuyện anh Linh về điện Cây Quế. Anh Linh cho biết, điểm thờ cúng này khá đặc biệt, bởi vị thế cheo leo, hiểm trở tạo nên khung cảnh không lẫn vào đâu ở núi Cấm. Trước kia, khu vực này khó đi nên ít người đến. Hiện nay, đã có đường xe chạy đến điện Cây Quế, nên khách hành hương tới viếng khá đông, nhất là ngày rằm, để cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Ấn tượng khó quên
Sau chặng đường dốc thăm thẳm, đoàn chúng tôi đã đến được điện Cây Quế. Việc trước tiên của tôi là tìm chai nước lọc để uống một hơi thật sảng khoái rồi ngồi tựa lưng vào đá. Bất chợt, tôi nhận ra mình đang ở một nơi rất đẹp với khung cảnh hùng vĩ, nên thơ. Đưa mắt nhìn xuống đồng bằng, cảnh vật mờ ảo trong lớp khói sương. Những cơn gió men theo triền đá thổi mát lòng người. Tôi nhìn mấy cánh hoa bằng lăng rừng lả tả rơi trên đá, mà lòng cảm thấy nhẹ nhàng đến lạ.
Khu vực điện Cây Quế có 3 điểm thờ chính. Cao nhất là điện thờ Ngọc Hoàng, rồi đến điện Diêu Trì Kim Vương Mẫu và điện thờ trăm họ. Vì là điểm thờ theo tín ngưỡng tam giáo nên Ban Hộ điện yêu cầu khách hành hương không cúng rượu thịt, giữ gìn sự thanh tịnh, trang nghiêm. Muốn lên điểm thờ cao nhất, du khách phải đi qua một khe đá hẹp, tạo nên cảm giác rất đặc biệt.
Dưới chân núi Cấm, những công trình vui chơi, giải trí, những khu dân cư sầm uất nằm xen lẫn với màu xanh mát của cỏ cây, của đồng lúa mênh mông và hàng thốt nốt già nua được thu vào tầm mắt vô cùng sinh động. Một thành viên trong đoàn trekking chắp tay hướng đến các bậc siêu nhiên, khấn nguyện điều gì đó thật thành tâm. Tôi thấy trong mắt anh sự an nhiên, tự tại. Có lẽ, khung cảnh núi rừng và sự trang nghiêm của điện Cây Quế khiến lòng người nhẹ lại, khi bon chen mệt nhọc của cuộc sống đã bị bỏ lại sau lưng.
Nếu không đặt chân đến điện Cây Quế, người ta sẽ không biết “đặc sản” của vồ đá này ngoài huyền tích linh thiêng thì còn có… gió. Những cơn gió cứ liên tục thổi đến, khiến du khách cảm thấy rất dễ chịu. Trong khi mọi người hào hứng chụp ảnh, tôi ngồi lặng lẽ để nghe tiếng gió. Âm thanh leng keng của chiếc chuông gió được treo ở khu vực điện Cây Quế lẫn vào không gian, khiến lòng người cảm thấy an yên, có chút gì đó gợi nhớ đến cây quế trong huyền thoại xa xưa.
Chúng tôi trở xuống núi với con đường bậc thang có tay vịn hẳn hoi, do nhà hảo tâm và người dân địa phương góp công xây dựng. Về đến Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác nhẹ nhàng khi hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ trên điện Cây Quế. Nếu có dịp, bạn hãy thử tìm đến nơi này để cảm nhận sự an yên của lòng mình và ngắm những cánh bằng lăng rừng nhẹ rơi trên đá.
THANH TIẾN