Lên núi Dài, thăm vườn trái cây hấp dẫn

26/06/2018 - 07:16

 - Cứ mỗi độ mưa về, bà con trồng vườn trên núi Dài (Tri Tôn) lại tất bật cho vụ thu hoạch mới. Cùng với cây rừng, nơi lưng chừng núi còn được phủ màu xanh bởi những vườn cam, quýt, bưởi, sầu riêng, dâu da xanh... Những cành cây trĩu quả giúp bà con có thu nhập khá, thêm yêu và gắn bó với núi rừng.

“Hữu xạ tự nhiên hương”

Tại khu vực bến Ô Vàng trên núi Dài (xã Lê Trì, Tri Tôn), anh Đào Văn Phương vừa thu hoạch 50 gốc bơ sáp, đạt năng suất hơn 1 tấn trái. Năm nay, bơ “trúng mùa, được giá”, bán cho thương lái đến thu mua đợt đầu tiên với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, đem lại thu nhập cho gia đình trên 24 triệu đồng. “Tôi lập vườn bơ được hơn 5 năm, có trên 100 gốc, gồm bơ sáp trái dài và bơ sáp trái tròn. Bơ đất núi hạt nhỏ, dẻo, thơm, béo lại để được lâu, chất lượng ngon không kém bơ ở nơi khác. Mỗi năm chỉ có 1 vụ vào mùa mưa nên bơ rất sai trái, 1 cây cho  từ 50-100 trái, 1 trái nặng trung bình khoảng 250gr” - anh Phương chia sẻ. Nhờ có vườn bơ này mà gia đình anh có thêm nguồn thu nhập khá, con cái học hành đến nơi đến chốn. Theo thống kê sơ bộ, trên núi Dài có khoảng 10 hộ trồng bơ với số lượng gần 500 gốc.

Hơn chục năm nay, bà con trồng rẫy vùng núi đã mạnh dạn đưa giống cây ăn trái về đất núi thử nghiệm và thành công đáng kể. Cây cho năng suất cao, trái đạt chất lượng không thua sản phẩm trái cây miệt vườn nổi tiếng. Từ lâu, thương hiệu “trái cây Bảy Núi” được người tiêu dùng ưa chuộng, còn thương lái đến tận nơi thu mua.

Lên núi Dài, thăm vườn trái cây hấp dẫn

Vườn bơ trên Ô Vàng đang vào mùa thu hoạch

Tại bến Ô Vàng, bà con nông dân đang thu hoạch bưởi, cam sành, quýt đường, bơ, chuẩn bị vào mùa thu hoạch sầu riêng. Năm nay, bưởi da xanh ruột hồng được xem là “trúng mùa, được giá” (hơn 20.000 đồng/kg). Bà con phấn khởi vì thương lái đến thu mua không phân loại hay ép giá làm khó nông dân. Anh Đào Văn Phương cho biết, trên núi Dài hiện trên 500 gốc bưởi, còn số lượng quýt đường thì rất nhiều, ước tính có trên 5.000 gốc quýt đang cho thu hoạch lẫn trồng mới. Hiện nay, bà con đang phát triển mạnh các loại cây ăn trái có giá trị cao như: sầu riêng, dâu, bơ...

Gắn bó lâu dài

Cư ngụ tại khóm An Hòa B (thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn) nhưng kinh tế của gia đình ông Lâm Văn Tiến chủ yếu là đất rẫy trên núi Dài. Trên phần đất này, lập vườn quýt với 600 gốc, đem lại lợi nhuận khá cao. Năm trước, chỉ với 200 gốc quýt cho trái, ông thu hoạch được trên 6 tấn quýt, bạn hàng đến thu mua tại bến Ô Vàng với giá từ 14.000-16.000 đồng/kg. Dịp Tết Nguyên đán, quýt hút hàng, thương lái phải đặt trước và đến tận nhà mua. Giá bán đợt Tết từ 25.000-30.000 đồng/kg. Trừ tất cả chi phí, ông Tiến lời trên 50 triệu đồng. Ngụ cùng ấp An Hòa B và cùng lập vườn trên núi, ông Nguyễn Văn Sáng đang thu hoạch sớm 50 gốc quýt đường, bán tại chỗ từ 15.000-16.000 đồng/kg. Ông dự định mở rộng thêm diện tích cây ăn trái để tăng thêm thu nhập. Đồng thời, xử lý kích thích ra hoa linh hoạt để phục vụ nhu cầu các dịp lễ, tết tại địa phương. 

Tham gia trồng và bảo vệ rừng phòng hộ trên núi Dài nhiều năm nay, Tổ hợp tác (THT) bảo vệ rừng Ô Sìn (khóm An Hòa B, thị trấn Ba Chúc) đã kết hợp trồng những vườn cây ăn trái để cải thiện thu nhập. Ông Lê Công Tảo, Tổ trưởng THT, sầu riêng trên núi đang chuẩn bị cho thu hoạch trái. “Sầu riêng trên núi cho phẩm chất trái ngon, cơm vàng, hạt lép nên giá bán tại vườn đạt 50.000-60.000 đồng/kg. Năm nay, sầu riêng đậu trái tốt, mỗi gốc có thể cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Đối với bơ, nông dân đang thu hoạch, nhờ bán được giá cao nên bà con rất phấn khởi”- ông Tảo chia sẻ.

Lên núi Dài, thăm vườn trái cây hấp dẫn

Đường lên Ô Sìn được đổ bê-tông

Hiện nay, các tuyến đường lên núi Dài như: Ô Sìn, Ô Vàng, Ô Tà Sóc… đều đã được bà con chung sức đổ bê-tông lên tới vườn cây, cánh rừng. Giờ đây, bà con có thể chạy xe máy lên thăm vườn, tuần tra bảo vệ rừng và vận chuyển nông sản tập kết xuống bến để thương lái đến thu mua. “Ngành kiểm lâm khuyến khích bà con trồng cây ăn trái dưới tán rừng phòng hộ để tăng thêm thu nhập, yên tâm giữ rừng. Hiện nay, ngành kiểm lâm đang triển khai các kế hoạch hỗ trợ bà con trồng cây ăn trái, cây dược liệu nhằm khai thác lợi thế vùng đất núi” - ông Nguyễn Văn Thương, Trưởng trạm Kiểm lâm An Tức (Tri Tôn) nhấn mạnh.

Bài, ảnh:  NGÔ CHUẨN