LHQ cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc khủng hoảng người di cư

12/11/2024 - 19:34

Biến đổi khí hậu đang góp phần làm gia tăng số người phải rời bỏ nhà cửa trên toàn cầu, đồng thời làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng người di cư – vốn ở mức nghiêm trọng.

Người di cư tại Tapachula, bang Chiapas, Mexico, trong hành trình tới Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Trên đây là cảnh báo vừa được Cao ủy  Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) đưa ra trong báo cáo, công bố ngày 12/11, trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra tại Baku (Azerbaijan).

Báo cáo mới của UNHCR nhấn mạnh các hiện tượng khí hậu cực đoan và nhiệt độ toàn cầu gia tăng đang ảnh hưởng đến số lượng và tình trạng người di cư. Bên cạnh đó, UNHCR cũng chỉ ra tác động của những cú sốc khí hậu đi kèm với xung đột tại những nước như Sudan và Somalia - đẩy người dân vốn đã ở tình thế nguy hiểm rơi vào tình cảnh khó khăn hơn.

Người đứng đầu UNHCR, ông Filippo Grandi, nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới đang ngày một ấm dần lên, hạn hán, lũ lụt, nắng nóng cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan khác đang gây ra các tình trạng khẩn cấp đáng báo động. Những người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn đang ở “tuyến đầu của cuộc khủng hoảng này”. Hiện có tới 75% số người phải di dời đang sống tại các nước dễ bị ảnh hưởng của biến đổi  khí hậu.

Ông Grandi nhận định trong bối cảnh quy mô và tốc độ biến đổi khí hậu đang gia tăng như hiện nay, số người di cư sẽ chỉ tiếp tục tăng.

Thống kê của UNHCR từ tháng 6 cho thấy con số kỷ lục 120 triệu người đã di dời do xung đột, bạo lực và ngược đãi, phần lớn là sơ tán ngay trong nước.

Trong khi đó, ông Andrew Harper, cố vấn đặc biệt của UNHCR về hành động khí hậu lưu ý số người phải di dời do xung đột trên toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Số liệu mới đây của Trung tâm theo dõi di dời trong nước cho thấy các thảm họa liên quan đến thời tiết đã khiến khoảng 220 triệu người di dời trong nước trong 10 năm qua, tương đương khoảng 60.000 người di dời/ngày.

Ông Harper nhấn mạnh việc ngày càng nhiều người rời bỏ nhà cửa đồng nghĩa với thiếu ngân quỹ cần để hỗ trợ những người di dời và các cộng đồng tiếp nhận họ. Cụ thể, phần lớn khu định cư của người tị nạn tại các nước có thu nhập thấp, thường ở sa mạc, tại các khu vực dễ bị lũ lụt, tại những nơi không có cơ sở hạ tầng cần thiết để xử lý tác động gia tăng của biến đổi khí hậu.

Theo UNHCR, tình hình dự kiến còn tồi tệ hơn. Vào năm 2040, số nước trên thế giới đối mặt với những nguy cơ liên quan đến khí hậu cực đoan dự kiến sẽ tăng từ 3 lên 65, trong đó đa số là nước tiếp nhận người di cư.

UNHCR kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tại COP29 ở Baku đảm bảo tài trợ khí hậu hơn đến được với người tị nạn và các cộng đồng tiếp nhận cần nhất.

Theo THÚC ANH (Báo Tin Tức)