Liên hợp quốc cảnh báo IS trỗi dậy tại châu Phi

11/08/2024 - 08:57

Một quan chức cấp cao Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng nhiều khu vực rộng lớn của Sahel có thể nằm dưới sự kiểm soát của nhóm thánh chiến khủng bố này.

Chú thích ảnh

Hiện trường một vụ nổ do khủng bố ở ngoại ô Mogadishu, Somalia. Ảnh: AFP/TTXVN

Dẫn lời phát biểu của ông Vladimir Voronkov, Giám đốc Văn phòng Chống khủng bố của Liên hợp quốc (UNOCT) ngày 8/8, kênh truyền hình RT cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhánh đã mở rộng hoạt động ở một số khu vực tại châu Phi, cũng như ở Syria, Iraq và Afghanistan. Ông Voronkov nêu rõ rằng một vùng lãnh thổ rộng lớn phía Tây Phi và Sahel, trải dài từ Mali đến miền Bắc Nigeria có thể nằm dưới sự kiểm soát của IS. Bên cạnh đó, các nhánh nhỏ của IS cũng tăng cường hoạt động ở miền Bắc Mozambique và phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, dẫn đến gia tăng đáng kể các cuộc tấn công khủng bố và thương vong đối với dân thường.

Theo UNOCT, các nhóm khủng bố liên kết với IS đang mở rộng khu vực hoạt động và thể hiện khả năng phục hồi cũng như thích ứng bất chấp các nỗ lực chống khủng bố vẫn đang diễn ra.

 

Theo ông Voronkov, các hoạt động của ISIL-Khorasan, nhánh IS tại Afghanistan, đang gây ra mối đe dọa gia tăng ở châu Âu.

Có nguồn gốc từ các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Iraq, IS trở thành nhóm khủng bố khét tiếng trên quốc tế sau khi nổi dậy vào năm 2014. Nhóm này lợi dụng tình trạng thiếu an ninh ở Iraq cũng như tình hình hỗn loạn ở nước láng giềng Syria để giành quyền lực, gia tăng sức mạnh trước khi mở rộng địa bàn hoạt động sang châu Phi.

Thông thường, các nhóm khủng bố khai thác các cuộc xung đột giữa các sắc tộc và các yếu tố nhà nước. Tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, chẳng hạn như Cộng hòa Dân chủ Congo, Libya và Somalia, chủ nghĩa khủng bố đã gây leo thang bạo lực, thúc đẩy bất ổn, phá hoại các nỗ lực hòa bình và đặt lại các mục tiêu phát triển.

Trong một tuyên bố riêng rẽ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh không thể chống chủ nghĩa khủng bố một cách hiệu quả tại châu Phi nếu không giải quyết các điều kiện như thể chế yếu kém, bất bình đẳng, nghèo đói và bất công.

Theo BẢO HÀ (Báo Tin tức/RT)