Đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)
Chính phủ đang có các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó quyết liệt thúc đẩy đầu tư công và giải ngân nhanh nguồn vốn này được coi là “cú hích” cho nền kinh tế nhanh hồi phục.
Để đẩy nhanh nguồn vốn này, một trong những giải pháp quyết liệt nhất vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022 đó là thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2022, các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất của 4 tháng các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2022 ước đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm vốn Trung ương quản lý đạt 6.200 tỷ đồng, tăng 10,5%; vốn địa phương quản lý 27.300 tỷ đồng, tăng 5,7%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 109.600 tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch năm và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%; có 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%.
Một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng phát triển (59,64%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (48,86%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (35,76%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%).
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng đầu năm 2022 đạt thấp là do các chủ đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hiện, còn 17 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân.
Cùng với đó là do các dự án khởi công mới đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn, đang lập thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán nên chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao.
Nhà thầu thi công một dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Một số dự án gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng thời gian qua tăng cao, nhất là sắt, thép, xăng dầu, nguồn cung cấp vật liệu cho các công trình lớn còn hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn tới giải ngân vốn chậm…
Riêng đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, một số dự án giải ngân theo hình thức ghi thu ghi chi; quá trình thực hiện phải tuân thủ theo quy trình của nhà tài trợ, qua nhiều bước, các bước thực hiện phải xin ý kiến của nhà tài trợ nên cũng bị ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân.
Một số dự án đang trong quá trình tổng hợp danh mục thiết bị từ dự án thành phần để chuẩn bị thủ tục đấu thầu quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, thường 3 tháng đầu năm các chủ đầu tư đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán. Các dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng.
“Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công thường được đẩy mạnh vào các quý III và quý 4 của năm,” Thứ trưởng Phương cho hay.
Thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, một trong những giải pháp quyết liệt nhất vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022 là thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2022 dưới mức trung bình của cả nước 18,48%.
Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn…
Cùng với đó, Tổ công tác sẽ xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương; trong đó, có trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác.
Ráo riết đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đến ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác đã có dự án và có nhu cầu bổ sung vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương tổng hợp bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 đối với các dự án ODA có đủ điều kiện, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 307/QĐ-TTg ngày 8/4/2022 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Nhằm khắc phục hạn chế yếu kém, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân và cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, gửi kế hoạch về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/4/2022.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân từng dự án theo từng ngành, lĩnh vực phụ trách, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án.
(Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo động lực phục hồi nền kinh tế, với vai trò là cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn, Kho bạc Nhà nước cũng linh hoạt trong công tác kiểm soát chi nguồn vốn đầu tư với hai cơ chế kiểm soát là “Kiểm soát trước, thanh toán sau” và “Thanh toán trước, kiểm soát sau.”
Đồng thời, rút ngắn thời gian thanh toán vốn từ 4 ngày xuống còn 1 ngày với khoản tạm ứng và 80% khoản thanh toán khối lượng hoàn thành.
Đối với các khoản thanh toán còn lại, Kho bạc Nhà nước quy định tối đa không quá 3 ngày làm việc. Đây là bước cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tối đa cho các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công nói chung và Kho bạc Nhà nước nói riêng.
Ông Phạm Văn Duân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, qua dịch vụ công trực tuyến có thể biết được tình trạng hồ sơ, đã được giải quyết như thế nào, để từ đó nếu có vướng mắc sẽ kịp thời sửa chữa và chuyển cho kho bạc.
Cùng quan điểm, theo ông Phạm Quốc Thành, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư công trình giao thông tỉnh Thanh Hóa thì dịch vụ công trực tuyến của hệ thống kho bạc nhà nước đã giúp cho các chủ đầu tư tránh phải đi lại nhiều lần và kết quả giải ngân có ngay trong ngày.
"Dịch vụ này phù hợp với giai đoạn dịch bệnh hiện nay, có thể giao dịch với Kho bạc Nhà nước 24/7, kể cả ngày nghỉ/ngày lễ tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet," ông Phạm Quốc Thành cho biết.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương, hy vọng công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ và đạt tỷ lệ cao nhất khi hết năm ngân sách.
Theo THÚY HIỀN (TTXVN)