30% người lao động về quê muốn quay trở lại
Nêu tình trạng người dân về quê sau dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động ở các vùng trọng điểm công nghiệp, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn về giải pháp khôi phục thị trường lao động và khắc phục nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chúng ta phải lo thật tốt về chính sách, đời sống, mức lương, thu nhập cho người lao động (NLĐ). Hai là, phải chăm lo an sinh thật tốt, có một sàn an sinh tối thiểu để NLĐ có thể yên tâm về nhà ở, vấn đề sinh hoạt, chỗ gửi con. Ba là phải bảo đảm cho an toàn tính mạng, sức khỏe của họ, đó là tiêm vắc-xin.
Về việc người dân trở về quê tránh dịch đặt ra vấn đề an sinh xã hội, cần có chính sách để hỗ trợ như ĐB Trịnh Lam Sinh (An Giang) nêu, ông Đào Ngọc Dung cho hay qua thống kê, khoảng 1,3 triệu NLĐ từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê sau dịch. Trong số này, 30% có nhu cầu quay trở lại; 30% muốn chuyển đổi việc làm; còn lại muốn ở lại quê và muốn có công ăn việc làm. Vấn đề đặt ra là cần chủ động kết nối, giới thiệu việc làm (như tỉnh Thanh Hóa giới thiệu NLĐ làm việc ở Bắc Ninh, Bắc Giang); tạo việc làm tại chỗ; khuyến khích lao động quay trở lại. Gắn với đó là triển khai chính sách giảm nghèo, cho vay, hỗ trợ NLĐ tạo công việc mới ở địa phương.
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, hỏi về về giải pháp để NLĐ không bán sổ BHXH. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời từ đầu năm đến nay, 870.000 người đã rút sổ BHXH, tăng nhiều so với năm 2020. Để giải quyết tận gốc tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng phải nâng cao đời sống NLĐ. Cùng với đó phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để NLĐ về sự cần thiết cũng như lợi ích lâu dài của BHXH, để có khoản lương hưu khi về già... Tuy nhiên, giải pháp căn cơ là phải sửa Luật BHXH. Hiện Bộ đã hoàn thành hồ sơ để đến năm 2022 sẽ trình QH cho ý kiến.
Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (Hà Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung Ảnh: NGUYỄN NAM
Tăng lương cho người lương hưu thấp
Tại phiên chất vấn, ĐB Vương Thị Hương (Hà Giang) hỏi: "Người nghỉ hưu trước năm 1995 đã cao tuổi và mức lương hưu rất thấp. Trước tác động của dịch Covid-19, nhiều người sống chật vật và là đối tượng dễ bị tổn thương. Bộ trưởng sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Chính phủ đã báo cáo với QH và tạm dừng cải cách tiền lương. Tuy nhiên, trong đề xuất của Chính phủ với QH, Bộ trưởng LĐ-TB-XH khẳng định nội dung điều chỉnh lương hưu vẫn được đề cập, đặc biệt là quan tâm tới những người nghỉ hưu trước năm 1995 và nhóm người có lương hưu thấp. Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về việc này. Về lộ trình, trong tháng 12-2021 sẽ trình Thủ tướng xem xét.
Bộ LĐ-TB-XH đang đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét việc điều chỉnh tăng lương hưu từ ngày 1-1-2022 theo hướng tăng thêm 7,4% so với mức của tháng 12-2021. Tổng kinh phí điều chỉnh khoảng 12.650 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư và bổ sung cho người nghỉ hưu trước năm 1995 là 3.648 tỉ đồng. Với những người nghỉ hưu có mức lương dưới 2,5 triệu đồng/tháng, bộ sẽ đề xuất bổ sung lên mức 2,5 triệu đồng/tháng.
Về việc trục lợi chính sách các gói an sinh, Bộ LĐ-TB-XH vừa tổ chức 12 đoàn đi kiểm tra ở 33 địa phương và phát hiện có trục lợi. “Những sai phạm cá biệt không tránh được nhưng về cơ bản các chính sách đã được thực hiện minh bạch” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH khẳng định.
Theo VĂN DUẨN - MINH CHIẾN - HUY THANH (Người lao động)