Lý do khiến vaccine phòng COVID-19 của Pfizer chưa thể phân phối đại trà

10/11/2020 - 18:40

Ngày 9-11, hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech tuyên bố vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do họ phát triển đã đạt hiệu quả đến 90%. Tuy vậy, sản phẩm này chưa thể xuất hiện đại trà trong thời gian gần.


Một người dân đi ngang qua trụ sở hãng Pfizer tại New York. Ảnh: AFP

Theo tờ Bloomberg, thông tin về hiệu quả phòng bệnh của loại vaccine trên đã “làm nóng” thị trường chứng khoán Mỹ ngày 9-10, đưa giá cổ phiếu lên cao kỷ lục. Dự kiến, việc Pfizer và BioNTech đưa ra kết luận về mức độ an toàn của vaccine trong tháng này cũng sẽ tác động lớn lên thị trường chứng khoán.  

Hiện Pfizer và BioNTech cần được các cơ quan chức năng ký duyệt trước khi có thể bắt đầu phân phối vaccine cho những đối tượng được chính phủ ưu tiên hàng đầu, trong đó có nhân viên y tế và người cao tuổi. Thế nhưng, việc bảo quản phức tạp chính là rào cản lớn, ngay cả đối với các bệnh viện hiện đại nhất tại Mỹ. 

Vấn đề chính ở đây là vaccine - dựa trên công nghệ mới sử dụng mRNA tổng hợp để kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại virus - cần được bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh âm 70 độ C hoặc thấp hơn.
Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins nhận xét: “Trữ lạnh là một trong những khía cạnh thách thức nhất. Ngay cả bệnh viện ở các thành phố lớn cũng chưa đủ điều kiện để bảo quản vaccine ở nhiệt độ cực thấp như vậy”. Trên thực tế, một trong những bệnh viện uy tín nhất của Mỹ là Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota cũng phản ánh rằng họ hiện không có khả năng trữ siêu lạnh theo yêu cầu. 

Người phát ngôn của Pfizer, cô Kim Bencker cho hãng dược này đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Mỹ để tìm cách chuyển vaccine đến các trung tâm phân phối tại Mỹ, Đức và Bỉ. Theo đó, họ có thể sử dụng đá khô để duy trì nhiệt độ lạnh và vận chuyển vaccine bằng đường hàng không hoặc đường bộ. 

Một khi tiếp nhận, cơ quan y tế và giới chức địa phương phải chịu trách nhiệm bảo quản và quản lý vaccine. Hạn sử dụng của vaccine là 6 tháng ở môi trường siêu lạnh hoặc tối đa 5 ngày ở nhiệt độ 2 – 8 độ C (nhiệt độ ngăn mát tủ lạnh). Yêu cầu trữ lạnh chắc chắn sẽ tác động đến công tác phân phối vaccine tiêm phòng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe, bệnh xá ở vùng nông thôn hoặc các nước kém phát triển hơn. 


Một loại vaccine phòng COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến đầu tháng 10 vừa qua, thế giới đã có 193 vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 đang được phát triển, trong đó 42 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng. Pfizer và BioNTech là những hãng dược đầu tiên công bố số liệu thử nghiệm vaccine COVID-19 trên diện rộng thành công. 

Dựa trên kết quả sơ bộ, vaccine phát huy hiệu quả bảo vệ 7 ngày sau khi các tình nguyện viên được cho dùng liều thứ 2 và 28 ngày sau khi dùng liều thứ nhất. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng Pfizer, ông Albert Bourla, cho biết những kết quả đầu tiên thu được từ quá trình thử nghiệm đã bước đầu chứng minh khả năng ngăn ngừa COVID-19 của vaccine do 2 hãng phát triển. Ông Bourla cũng cho rằng kết quả trên đánh dấu bước tiến lớn tới mục tiêu cung cấp vaccine COVID-19 cho người dân trên toàn thế giới, mở đường tạo bước ngoặt "rất cần thiết" để chặn đứng cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này.

Hai công ty cho biết tới nay không phát hiện mối lo ngại nghiêm trọng nào về tính an toàn của vaccine và hy vọng vaccine sẽ được giới chức Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp trong tháng này. Pfizer hy vọng sẽ được Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp quy mô rộng với những người độ tuổi từ 16 đến 85. Để làm được điều đó, các hãng này cần cung cấp các dữ liệu chứng minh vaccine an toàn trong 2 tháng thử nghiệm với khoảng một nửa trong tổng số 44.000 tình nguyện viên tham gia. 

Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin tức)