Lý do lệnh trừng phạt của phương Tây không gây tác động lớn với người dân Nga

09/12/2023 - 09:16

Phần lớn người Nga vẫn không chú ý nhiều đến cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng tin rằng việc phản đối cuộc chiến sẽ đồng nghĩa với việc phương Tây sẽ “hủy diệt nước Nga”.


Người dân Nga cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Ảnh: AFP

Theo một cuộc thăm dò mới, công dân Nga cho biết họ đang có cuộc sống tương đối bình thường bất chấp việc phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva do cuộc xung đột ở Ukraine.

Một cuộc khảo sát của Gallup cho thấy 56% người Nga được hỏi tin rằng nền kinh tế trong nước đang được cải thiện, trong khi 46% đồng ý rằng mức sống cũng đang được cải thiện - một kỷ lục kể từ khi cuộc thăm dò được bắt đầu tiến hành vào năm 2006.

Tâm lý lạc quan trên xuất hiện khi các nước phương Tây đang mất đi động lực tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, với nhiều nhà phân tích hiện cho rằng Nga đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến.

Cuộc thăm dò của Gallup cho thấy nhận thức của người Nga về sự ổn định vẫn không thay đổi, chỉ 1/5 số người được hỏi nói rằng họ cảm thấy căng thẳng, buồn bã hoặc tức giận, so với 36% người Ukraine. 75% người Nga được thăm dò cho biết họ hài lòng với quyền tự do cá nhân của mình, và con số đó đã tăng lên kể từ khi xung đột nổ ra.

Theo một phân tích khác, phần lớn người Nga vẫn không chú ý nhiều đến cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng tin rằng việc phản đối cuộc chiến sẽ đồng nghĩa với việc phương Tây “hủy diệt nước Nga”.

Một báo cáo của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho thấy hành động nhanh chóng của Moskva sau các lệnh trừng phạt toàn cầu đã cứu nước này khỏi sự sụp đổ kinh tế hoàn toàn và người dân đã “thích nghi” với những điều kiện mới, không khác biệt nhiều so với trước xung đột.

Một số người thậm chí còn có sự cải thiện về mức sống khi Chính phủ Nga tiến hành trợ cấp xã hội quy mô lớn và tăng lương. Hầu hết người Nga đều biết xung đột sẽ không kết thúc sớm nhưng “thay vào đó họ thích tập trung vào cuộc sống của chính mình hơn”, các tác giả của báo cáo viết.

Về phần mình, chuyên gia địa chính trị Samir Puri nói với đài truyền hình Australia ABC News rằng cuộc xung đột Nga Ukraine đã bị “pha loãng và thay thế” bằng những nạn nhân của cuộc chiến Israel – Hamas ở Gaza. Trong trường hợp Quốc hội Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự cho Kiev - như nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa mong muốn - thì lịch sử cho thấy điều này có thể dẫn đến một tương lai ảm đạm cho Ukraine. Tuy nhiên, chuyên gia Puri cho rằng một sự sụp đổ đột ngột của Ukraine vẫn khó có thể xảy ra vì NATO sẽ “trực tiếp gánh chịu hậu quả”.

Trước đó theo hãng thống tấn TASS (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/12 cho biết tiền lương thực tế đã tăng 7% và thu nhập thực tế của người dân đã tăng 4,4% năm 2023. Ông Putin lưu ý rằng những con số này là một yếu tố quan trọng không chỉ trong chính sách xã hội mà còn trong phát triển kinh tế.

Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh GDP của Nga đã tăng 3,2% trong 10 tháng đầu năm 2023, cao hơn so với trước khi có lệnh trừng phạt của phương Tây và Nga đang dẫn đầu so với các nước EU về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo Tổng thống Putin, bất chấp căng thẳng về chính trị, các nhà đầu tư phương Tây vẫn có "sự hiện diện âm thầm" ở Nga.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov cho biết, theo ước tính, nền kinh tế nước này có thể tăng 3,5% GDP. Bộ này cũng dự kiến sẽ duy trì dự báo tỷ lệ lạm phát trong nước vào cuối năm 2023 ở mức 7,5%.

Theo CÔNG THUẬN (Báo Tin tức/TASS/Yahoo)