Mài sừng cho lắm cũng là trâu

14/02/2021 - 06:57

 - Đó là bài thơ trào phúng độc đáo của nhà thơ Học Lạc, có ý nghĩa đấu tranh và đả kích bọn cường quyền áp bức người dân. Dù không thành công về khoa bảng nhưng về thi phú ông Học Lạc “vang bóng một thời”, được người dân lưu truyền đến ngày nay.

Ông Nguyễn Văn Lạc (1842-1915) tự Sầm Giang, người làng Mỹ Chánh, nay xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), là con của một gia đình nông dân nghèo. Nhờ học giỏi, ông được triều đình nhà Nguyễn tuyển thẳng vào ngạch học sinh (một ngạch đặt ra khuyến khích học tập và được cấp lương). Từ đó, dân gian gọi ông là “học sinh Lạc”, sau mất chữ “sinh”, còn lại 2 chữ “Học Lạc”. Tuy học giỏi nhưng ông thi nhiều lần không đậu. Xét về mặt thi phú, thơ của ông Học Lạc không mang tính chiến đấu như thơ của các nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị… Nếu Cụ Đồ (Nguyễn Đình Chiểu) cổ động tinh thần chiến đấu và khích lệ lòng yêu nước của nhân dân Nam Bộ; Cử Trị (Phan Văn Trị) cương quyết vạch trần những kẻ theo giặc sát hại dân, bán rẻ non sông cho thực dân Pháp thì thơ Học Lạc chỉ ra những cái gọi là rởm đời, thói hư tật xấu của bọn cường hào, ác bá ở làng xã nông thôn.

Sau ngày triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862, nhường 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ cho Pháp, ông không còn thiết tha đến việc thi cử nữa. Ông rời bỏ làng quê Mỹ Chánh, dời nhà về chợ Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho) chọn nghề dạy học và bốc thuốc mưu sinh cho đến ngày tạ thế (năm 1915), thọ 63 tuổi. Ông là bạn học với Nguyễn Hữu Huân (Thủ khoa Huân), Bùi Hữu Nghĩa (Thủ khoa Nghĩa), Phan Hiển Đạo, Nguyễn Thông… Không hiển danh nhưng hậu thế phải thừa nhận ông Học Lạc làm thơ Nôm rất giỏi, có biệt tài xuất khẩu thành thơ.

Nhiều nhà thơ khai thác hình ảnh con trâu bên luống cày, trên đồng ruộng nhưng ông Học Lạc lại khác. Hình ảnh con trâu xuất hiện trong thơ ông mang một ý nghĩa khác, đó là bọn cường hào ác bá, hội tề quên nghĩa vụ công dân, cam tâm tiếp tay cho giặc. Nếu nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt (Tuần phủ Hà Tiên, Châu Đốc) với 2  bài thơ “Trâu già” ví mình như con trâu vô dụng, không khả năng giúp đời nữa; cụ Phan Chu Trinh với bài “Trâu già than thân”…, thì bài thơ “Con trâu” của Học Lạc đả kích thẳng thừng kẻ “ăn trên ngồi trước”, tuy to đầu mà ngu xuẩn, hèn nhát, không một chút tài năng nhưng lại “giỏi” hạch sách người dân. Chúng đã bị mắc mưu thực dân Pháp, như con trâu bị cột rơm vào đuôi, bị đốt cháy, nóng quá phải liều mạng xông vào trận. Với bài thơ “Con trâu” ông viết: “Mài sừng cho lắm cũng là trâu/ Ngẫm lại mà xem thật lớn đầu/ Trong bụng lam nham ba lá sách/ Ngoài cằm lém đém một chòm râu/ Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy/ Làm lễ bôi chuông nhớn nhác sầu/ Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ/ Năm dây đàn gảy biết chi đâu”. Đây là một bài thơ trào phúng độc đáo, có ý nghĩa sâu xa, góp phần mạnh mẽ việc chống đối và đả kích trực diện bọn cường quyền, áp bức nhân dân.

Nhiều nhà nghiên cứu văn học xếp nhà thơ Học Lạc theo khuynh hướng trào phúng và châm biếm như các nhà thơ: Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Chu Mạnh Trinh. Theo GS Dương Quảng Hàm và Thanh Lãng: “ông Học Lạc học giỏi nhưng có tính ngạo đời, không phục tùng kẻ quyền thế, làm thơ để châm chích”. Nếu nhà thơ Tú Xương bông đùa, diễu cợt để ngăn ngừa, sửa chữa thì thơ Học Lạc là mũi tên “bắn” vào đám quan lại “bản xứ” mất gốc, kẻ làm tôi, làm tề cho giặc là phận chó (bài “Chó chết trôi”), là “thân trâu mắc mưu đốt đít”. Với nhà thơ Nguyễn Liên Phong: “Cụ Học Lạc hình trạng dù nhỏ thó nhưng tiếng nói như chuông, giỏi nghề y dược, sở trường là bói toán và cầm kỳ thi họa ít thua người. Dù không đạt khoa bảng nhưng luận theo sức văn học, ông xấp xỉ với ông Đồ Chiểu, Cử Trị, tấn sĩ Đạo (tiến sĩ Phan Hiển Đạo), tấn sĩ Thông (nhà thơ Nguyễn Thông)”.

NGUYỄN RẠNG