Mang Tết đến cửa hàng “0 đồng”

22/11/2023 - 22:15

 - Ngại ngùng đưa tay lấy chiếc áo sơ mi dài tay đã lỗi mốt nhưng vẫn còn nguyên tem, chị Thúy (40 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) vui mừng: “Nhìn xem, chiếc áo còn mới quá! Sao người ta chưa mặc lần nào đã cho rồi? Mấy ngày nay trời trở lạnh, tôi khoác thêm áo để đi bán hàng cũng ấm lắm!”.

Cái se lạnh khi thời tiết giao mùa bao giờ cũng khiến lòng người thổn thức. Người tất bật lo lắng, tranh thủ hoàn tất công việc cuối năm, người lại nôn nao chuẩn bị nhà cửa tươm tất đón những ngày lễ rộn ràng sắp đến. Hẳn là câu chuyện mua sắm cuối năm cũng là chủ đề lôi cuốn nhà nhà, người người.

Song, đó là với những người có đồng ra đồng vô dư dả. Còn với những lao động nghèo, khó khăn, việc “tối mày tối mặt” lo miếng cơm manh áo đã đủ chạnh lòng thì làm sao có thời giờ hay tâm trí dành cho chuyện sắm sửa. Với họ, chỉ có ở những cửa hàng “0 đồng”, mới có thể tự do “mua sắm”, thoải mái lựa chọn, không lo về giá.

Dù mới ra mắt được 3 tháng, quầy “0 đồng” của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã Định Thành (huyện Thoại Sơn) luôn tấp nập “khách hàng”. Chú Trần Văn Nghĩa (Trị sự viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã Định Thành) thông tin: “Quầy “0 đồng” mở cửa 24/24 giờ. Chúng tôi không quy định mỗi người đến lấy tối đa bao nhiêu bộ quần áo hoặc lấy bao nhiêu lượt/ngày. Chỉ cần người đến quầy thấy món đồ đó hợp với mình thì tự nhiên mang về dùng. Do nằm cặp Đường tỉnh 943, quầy “0 đồng” được rất nhiều người đến cho và nhận. Đa phần, quần áo mọi người mang đến có thể sử dụng trên 80%. Ngoài quần áo, “cửa hàng” còn có nhiều mặt hàng khác, như: Nón, dép, túi xách… Người đến nhận cũng rất lịch sự. Mọi người lựa chọn đồ trong không khí vui vẻ, ấm áp sự sẻ chia”.

Trên tay còn vài chục tờ vé số, chị Thúy vội vã ghé vào cửa hàng “0 đồng” lựa vài món đồ, trước là cho vợ chồng, sau là cho mấy đứa con. Vui mừng khi lựa được món đồ vừa ý, chị Thúy chia sẻ: “Tôi ở TP. Long Xuyên. Công việc hàng ngày của 2 vợ chồng là bán vé số. Mỗi ngày, chúng tôi kiếm được hơn 100.000 đồng”. Có dịp đi bán qua cửa hàng “0 đồng” xã Định Thành nhiều lần rồi nhưng tôi rất ngại vào. Nay, được một chị đang lựa quần áo trong cửa hàng mời vào, tôi mới mạnh dạn ghé xem. Quần áo ở đây rất nhiều, đủ kiểu dáng và phù hợp nhiều độ tuổi”.

Nói rồi, chị Thúy khoe mới chọn được vài chiếc áo thun “xịn” lắm và sẽ để dành cho chồng mình mặc Tết. Chị Thúy cũng không quên lựa thêm vài chiếc áo hợp với mình. Theo lời chị, quần áo ở cửa hàng “0 đồng” nhưng không thua gì ở các chợ đồ cũ. Thậm chí, có những cái quần, chiếc áo còn rất mới. Thôi thì, “cũ người mới ta”, giữa thời buổi kinh tế eo hẹp, làm ăn khó khăn, những cửa hàng như thế này rất quý đối với người nghèo khó.

Cùng suy nghĩ này, chị Loan (49 tuổi, ngụ xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn) cho hay: “Tôi đến cửa hàng “0 đồng” này lựa đồ được vài lần. Những người ở đây rất thân thiện, ai cũng kêu lựa thoải mái. Tôi còn lựa thêm mang về cho hàng xóm khó khăn. Mấy nay, tôi lựa được vài bộ “đồ vía” cho mấy đứa cháu ở nhà mặc Tết rồi, đứa nào cũng rất thích và khen đồ rất đẹp. Với lao động nghèo như chúng tôi, tận dụng được gì để có cái Tết tươm tất thì đều quý cả”.

“Bạn có những món đồ không dùng hay ít dùng hãy mang lại đây, có rất nhiều người đang cần nó” hay “Xin cám ơn ai đã tặng nó cho chúng tôi”… là những dòng chữ ấn tượng tôi nhìn thấy ở những cửa hàng “0 đồng”. Thông điệp tuy nhỏ nhưng giá trị mang lại vô cùng to lớn và rất nhân văn. Nó thể hiện tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của dân tộc ta từ bao đời nay.

“Những tháng cuối năm, tôi thường sắp xếp lại tủ quần áo. Những món đồ nào mặc không vừa hoặc đã lâu không dùng, thay vì mang thanh lý, tôi sẽ dành tặng lại cho những cửa hàng “0 đồng” gần nhà. Những bộ quần áo cũ với mình nhưng rất mới với người cần, giúp họ tiết kiệm rất nhiều chi phí trong cuộc sống còn nhiều khó khăn như hiện nay” - chị Phương Linh (30 tuổi, ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) ngẫm nghĩ.

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…” là vậy. Nếu đã bắt gặp ánh mắt mừng rỡ, vui sướng của những người “mua sắm” ở cửa hàng “0 đồng”, bạn sẽ thấy hạnh phúc vì đã góp chút sức nhỏ cho những hoàn cảnh khó khăn ấy.

PHƯƠNG LAN