Thăm, tặng quà trẻ em mồ côi do dịch bệnh COVID-19
Thấu hiểu khó khăn
Em Phan Long Khải (sinh năm 2009, ngụ ấp Sơn Hòa, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) bị mất mẹ do dịch bệnh COVID-19. Hiện, em đang sống chung với bà nội, cha đi làm phụ hồ. Khi tiếp xúc, gặp gỡ, ai cũng xúc động bởi Khải chỉ mong ước giản đơn là ba em sẽ có công việc ổn định, để có tiền cho em học đến lớp 12. Khải biết chỉ có con đường học vấn mới giúp em có việc làm ổn định, để lo cho bản thân, gia đình sau này.
Chung hoàn cảnh mẹ mất vì dịch bệnh COVID-19 là 2 anh em Phan Thanh Nghĩa (sinh năm 2013) và Phan Anh Minh (sinh năm 2021), cùng ba phải sống nhờ nhà bà nội (ấp Trung Phú 2, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn). Với việc làm thuê tại địa phương, cuộc sống của 3 cha con khá bấp bênh. Từ chương trình “Mẹ đỡ đầu”, đã chia sẻ phần nào gánh nặng cho gia đình anh em Thanh Nghĩa.
Huyện Thoại Sơn có 11 trẻ mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Thoại Sơn tổ chức lễ kết nối chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch COVD-19. Qua đó, kết nối được 11 đơn vị tham gia. Mỗi đơn vị kết nối giúp 1 trẻ (hỗ trợ tiền 500.000 đồng/tháng cho đến khi trẻ đủ 18 tuổi). Hội LHPN các xã, thị trấn đăng ký thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” 12 trẻ em mồ côi do nguyên nhân khác, với hình thức đỡ đầu là vận động quà và hiện vật hàng quý từ 500.000 đồng trở lên.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), toàn tỉnh An Giang có trên 3.100 trẻ mồ côi, trong đó có 348 trẻ em mồ côi do COVID-19. Đa phần các trẻ em mồ côi đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em còn phải bỏ học theo gia đình lao động sớm, như: Bán vé số, phụ việc nhà… Việc hỗ trợ, giúp đỡ cho các em là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết và cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự góp sức của các nhà hảo tâm.
Yêu thương lan tỏa
Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động chăm sóc, hỗ trợ trẻ em mồ côi, với nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực. Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động triển khai các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em mồ côi, lồng ghép vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong từng năm học.
Nhìn chung, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (trong đó có trẻ mồ côi) được ngành giáo dục và đào tạo quan tâm, triển khai thực hiện thành nền nếp trong nhiều năm nay. Qua các chương trình “Sóng và máy tính cho em”, vận động, quyên góp mua thẻ bảo hiểm y tế, đồ dùng học tập… nhiều học sinh nghèo, gia đình khó khăn, mồ côi được cắp sách đến trường.
Năm 2022, Hội LHPN tỉnh An Giang triển khai nhiều hoạt động chăm lo trẻ mồ côi. Cụ thể, tổ chức 53 cuộc tuyên truyền, với 1.779 lượt người tham dự về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các văn bản liên quan đến chính sách trợ giúp trẻ em mồ côi và mồ côi do dịch bệnh COVID-19.
Đối với trẻ mồ côi do nguyên nhân khác, hội giới thiệu, vận động hỗ trợ cho 89/1.593 trẻ được nhận đỡ đầu, hỗ trợ; đối với trẻ mồ côi do dịch bệnh COVID-19, hội LHPN các cấp trong tỉnh triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Thời gian qua, nhận đỡ đầu 285/348 trẻ mồ côi; đồng thời vận động nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết và dụng cụ học tập… Đến nay, tổng số tiền đỡ đầu cho trẻ trên 870 triệu đồng.
Tổng kinh phí hỗ trợ trẻ em mồ côi, nhất là trẻ mồ côi do COVID-19 ở cấp huyện trong năm 2022 trên 3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước hơn 173 triệu đồng; nguồn xã hội hóa trên 1,3 tỷ đồng; nguồn từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trên 1,3 tỷ đồng…
Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương còn tổ chức các hoạt động, sự kiện cho trẻ em tham gia nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được bảo đảm các quyền cơ bản (chăm sóc, vui chơi, học tập…), nhất là đối với trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi.
Để công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em mồ côi được thực hiện tốt, Sở LĐ-TB&XH An Giang đề ra giải pháp, tiếp tục đẩy mạnh công tác trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền tại cộng đồng nhằm nâng cao trách nhiệm của cha mẹ, người chăm sóc và cộng đồng. Thường xuyên theo dõi, cập nhật số lượng trẻ em mồ côi và tình hình hỗ trợ trẻ em mồ côi để có những hỗ trợ kịp thời và đầy đủ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách của nhà nước đối với trẻ em nói chung, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi do dịch bệnh COVID-19.
PHƯƠNG LAN