Mát lành sương sâm

06/10/2024 - 14:30

 - Sương sâm được làm từ lá của cây sương sâm với hầu hết người dân nông thôn, hay các bà nội trợ đây là loại lá không mấy xa lạ.

Không chỉ đẹp khi được trồng như một loại cây trang trí cho cổng rào thêm đẹp mà sương sâm còn là món ăn quen thuộc với mọi lứa tuổi ở miệt vườn

Sương sâm là loại cây thân leo, thường bò hoặc mọc ở bờ rào, bờ tường, hoặc các loại cây khác. Cây sương sâm dễ trồng, lá còn non thường có màu xanh lá mạ, về già có màu xanh đậm, có thể thu hái lá quanh năm

Như nhiều nhà ở nông thôn khác, trước nhà chị Bé Tư (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) có hàng rào dây sương sâm xanh mướt, ai qua lại cũng phải ngoái nhìn. Theo chị Bé Tư, dây sương sâm rất dễ trồng, không cực công chăm sóc. Vài trận mưa là dây sâm vươn mình xanh mơn mởn. Có lúc, lá sâm phát nhiều, không chỉ hái ăn mà gia đình tôi còn mang ra chợ bán với giá 30.000 đồng/kg. Biết sâm nhà trồng nên bà con rất thích mua"

Dịp cuối tuần, con, cháu nhà chị Bé Tư tề tựu về chơi, lá sương sâm trước nhà thường là món ngon được chị Bé Tư chọn để "đãi" bọn trẻ vì dễ làm, mà lại ngon và giải nhiệt rất tốt. "Thạch sâm bày bán ở chợ hay ngoài đường thường khó kiểm soát về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, tôi luôn tự vò để đảm bảo an toàn cho cả nhà" - chị Bé Tư chia sẻ.

Lá già khi được hái, rửa sạch rồi mang đi vò. Cho nước vào lá sâm, dùng tay vò nát lá sâm. Nên siết lá khi vò để lá sâm ra chất kết đông nhanh hơn. Việc vò nát lá sâm hoàn thành khi lá không còn hoặc nhạt bớt màu xanh nguyên thủy, cùng với hỗn hợp màu xanh lá đậm nổi bọt nhiều. Đổ hỗn hợp qua rây hay túi lưới để lọc đi phần bã lá sâm, ta thu được thạch sương sâm với màu xanh ngọc bắt mắt

Thạch sương sâm để lạnh bảo quản lâu và ngon hơn. Khi dùng, thêm miếng ít nước cốt dừa, đường cát hoặc nước đường đã thắng và nước đá. Chỉ đơn giản vậy thôi, mà món sương sâm làm bất cứ ai cũng phải xuýt xoa. Không cầu kỳ trong cách chế biến cũng như cách ăn, sương sâm thật sự là món ăn vặt mọi người nên thử.

PHƯƠNG LAN