Tổng thống Mexico Lopez Obrador (phải) và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. (Nguồn: USToday)
Ngày 8-6, trong khuôn khổ chuyến thăm Mexico của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, đại diện Bộ Ngoại giao Mexico và Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) đã ký bản ghi nhớ về hợp tác quốc tế để thúc đẩy phúc lợi xã hội ở các quốc gia Trung Mỹ, qua đó giải quyết gốc rễ vấn đề di cư trái phép.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador và bà Kamala Harris đã thảo luận về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương và các giải pháp cho vấn đề người di cư Trung Mỹ.
Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết bản ghi nhớ bao gồm việc trao đổi kinh nghiệm và việc nhân rộng sang Guatemala, El Salvador và Honduras các chương trình phúc lợi xã hội theo sáng kiến của Mexico gồm dự án trồng rừng và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên.
Trước đó, Tổng thống Lopez Obrador đã nhiều lần đề cập tới việc đầu tư phát triển kinh tế-xã hội tại Trung Mỹ và khu vực miền Nam nước này nhằm tạo ra một “bức tường thịnh vượng” để hạn chế làn sóng di cư từ các quốc gia Trung Mỹ.
Chuyến công du của Phó Tổng thống Harris tới Guatemala và Mexico nằm trong chiến lược của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm giải quyết gốc rễ vấn đề người di cư trái phép vào Mỹ, chủ yếu từ các quốc gia thuộc Tam giác phía Bắc Trung Mỹ, gồm El Salvador, Guatemala và Honduras.
Trước tình trạng người di cư từ các quốc gia Trung Mỹ tăng mạnh trong thời gian gần đây, Chính phủ Mỹ đã cử phái đoàn cấp cao tới Mexico, Guatemala và El Salvador để thảo luận các biện pháp chung như phát triển kinh tế tổng thể tại khu vực Tam giác phía Bắc Trung Mỹ và các cơ chế khác nhau để đảm bảo di cư có trật tự và an toàn, cũng như bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền của trẻ em.
Theo các tổ chức nhân quyền, mỗi năm, khoảng 500.000 người di cư Trung Mỹ vượt qua Mexico để tìm đường tới Mỹ trong cuộc hành trình dài và nguy hiểm.
Những người di cư chịu rủi ro cao bị bắt cóc và giết hại bởi các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Theo VIỆT HÙNG (TTXVN)