Mùa của tuổi thơ
Nhiều người vẫn chưa thể lý giải vì sao họ yêu quý những cánh diều. Có lẽ, trò chơi dân gian ấy luôn chất đầy những mơ ước của tuổi thơ. Cánh diều đi vào ký ức, tồn tại trong kỷ niệm, giúp người ta vơi bớt những áp lực, muộn phiền của cuộc sống xô bồ.
May mắn sinh ra ở quê, tuổi thơ của tôi lớn lên cùng những cánh diều căng gió. Hồi ấy, quê nghèo, đâu đâu cũng toàn thấy lúa. Bởi thế, sau vụ “đông ken”, cánh đồng gốc rạ trở thành sân chơi cho đám con nít mũi tít thò lò.
Buổi trưa, trời nắng chang chang. Nhóm chúng tôi dăm bảy đứa rù rì men theo những bụi tre già cỗi, dán mắt tìm cho ra những đoạn tre ngay ngắn nhất. Tiếng tre kêu kèn kẹt hòa với tiếng chim kêu chíu chít, tiếng dao rựa chặt những thân cây chan chát, khuấy động sự bình yên của buổi trưa hè yên ả.
Với chúng tôi, vất vả nhất là khâu làm khung diều. Tre đốn xong, chẻ nhỏ, vót mỏng rồi đem phơi khô cho nhẹ bớt. Đứa nào có kinh nghiệm thì lựa tre già, thân chắc, vỏ dẻo. Nếu tre non, khi uốn cung rất dễ gãy hoặc méo mó. Thoạt nhìn, cứ nghĩ đó là việc đơn giản, nhưng kỳ thực lại lắm công phu. Bộ khung làm xong phải đảm bảo chắc, dẻo và đều để giúp cánh diều bay đầm khi “no gió”.
Phần khung xong, lại đến khâu dán thân diều. Thông thường, đám con nít chúng tôi hay dùng bọc ny-lon, giấy báo và cả giấy màu để làm thân diều. Tuy nhiên, thông dụng hơn cả là bọc ny-lon vì tính bền bỉ và khá nhẹ. Muốn có được 1 cái bọc ny-lon cỡ lớn, thường phải đi tìm rất vất vả. Có đứa “sang” hơn, nhịn ăn sáng 1 buổi là có được.
Bởi sự tỉ mỉ, kỳ công và “tốn kém”, nên mỗi cánh diều làm ra là niềm vui khôn tả cho chúng tôi hồi ấy. Thường thì phải mất 1 buổi, có khi cả ngày mới xong 1 con diều.
Làm xong, lại phải tốn tiền mua dây gân hoặc dây gai để thả diều bay lên cao. Có đứa hì hục mãi để làm ra 1 con diều… không biết bay, chỉ toàn “bò” trên mặt đất hay lạng vòng vòng. Những lúc ấy, chuyện cười ra nước mắt là có thật.
Chiều đến, đồng xa dịu nắng. Con nít từ các xóm tụ tập ra đồng như đi hội. Những cánh diều bắt gió cứ lao vút lên không trung, mang theo tràng cười sảng khoái của đám nhóc ngây thơ. Chúng chở theo ước mơ, hy vọng và niềm vui giản đơn của những tâm hồn thơ dại, rồi nhởn nhơ bay lượn trên trời cao. Chúng trở thành ký ức, để người ta mãi nhớ về những ngày tháng xa xưa, khi được chạy nhảy tung tăng trên cánh đồng, dưới ánh nắng chiều nghiêng nghiêng gốc rạ.
Ký ức tươi đẹp
Cho đến bây giờ, mùa thả diều vẫn là một phần tuổi thơ của đám nhóc ở quê và ở phố. Tùy vào điều kiện, người ta vẫn đón mùa hè với những cánh diều. Chỉ khác ở chỗ, cánh diều bây giờ được thiết kế đẹp mắt, màu sắc vui tươi và mô phỏng đủ thứ hình dáng, nhân vật, loài vật. Đó có thể là hình chim phượng, cá mập, con dơi, con bướm, chim đại bàng hay Đôrêmon, siêu nhân… Vì vậy, đám nhóc thời nay cũng thấy hấp dẫn, vui vẻ hơn vì thấy hình ảnh nhân vật yêu thích đang bay lượn trên trời cao.
Với đám con nít quê, mùa lúa đi qua, đất ruộng được nghỉ dăm bảy bữa là cơ hội để chúng thỏa thích cùng mấy cánh diều. Có lần, tôi bắt gặp hình ảnh của mình ngày trước qua 1 cậu nhóc lên 10 đang cắm cúi chạy trên bờ ruộng rồi ngã lăn quay. Chưa kịp đau, đã bật dậy chạy tiếp vì sợ cánh diều chưa đủ gió sẽ đâm xuống đất. Vẫn là ánh mắt háo hức, vẫn là những nụ cười giòn tan trong gió chiều cứ trải dài qua từng thế hệ, theo những mùa diều đến rồi đi như vòng quay tạo hóa.
Ở thành thị, người ta cũng đón mùa diều nhưng có phần khó khăn hơn. Bởi lẽ, số lượng người tập trung vào những khu đất trống để thả diều mỗi chiều rất đông. Ở phố, tìm được khu đất trống đủ để thả diều đâu phải dễ. Nhiều bậc phụ huynh cũng tranh thủ công việc để đưa con đi thả diều. Dường như, cánh diều giúp cho những bạn nhỏ quên đi chiếc điện thoại thông minh và thực sự sống với tuổi thơ.
Vui nhất là mấy cô, cậu nhóc được ba mẹ mua cho cánh diều mới. Miệng cười toe toét, mắt nhắm híp sung sướng vì sắp được nhìn thấy cánh diều của mình bay lượn trên trời cao. Một phụ huynh cho biết: “Thường tôi đưa con đi thả diều vào cuối tuần. Nhưng chiều nay được đi làm về sớm, thấy con đòi đi thả diều nên tôi cũng chiều con. Thả diều cũng tốt, vì con hạn chế xem điện thoại”.
Anh cũng kể cho tôi nhớ về thời thơ bé, khi phải tự tay vót từng cánh cung, mũi tên để dán thành cánh diều mơ ước. Bây giờ, đời sống phát triển, anh cũng muốn con gái tận hưởng tuổi thơ anh trải qua, dù cháu sinh ra đã là dân thành thị.
Nắng chiều dần khuất sau những dãy nhà cao cao nơi phố thị. Người cha cùng con gái bên nhau, nhìn cánh diều của họ bay thơ thẩn giữa hàng chục, hàng trăm cánh diều xung quanh. Có lẽ, anh cũng muốn con gái nhớ về mùa thả diều như một phần ký ức về những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp.
THANH TIẾN