Mùa hoa Tết

18/10/2019 - 09:08

 - Đầu tháng 8 (âm lịch) hàng năm, các nhà vườn trồng hoa trong tỉnh lại tất bật chuẩn bị xuống giống vụ hoa Tết. Ngoài việc tìm kiếm, lựa chọn các chủng loại hoa mới, các nhà vườn còn tập trung xuống giống các loại hoa được nhiều người biết đến với giá cả bình dân. Năm nay, do ảnh hưởng tình hình thời tiết mưa nắng thất thường, khắc nghiệt khiến các nhà vườn vào vụ mùa với nhiều tâm trạng lo lắng.

Ưu tiên các sản phẩm bình dân

Những năm gần đây, diện tích trồng hoa ở các địa phương ngày càng tăng. Nếu trước đây, các hộ dân trồng hoa thương phẩm chỉ trồng với quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, lợi nhuận kinh tế thu được không cao, nay nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nên nghề trồng hoa mang lại thu nhập ổn định hơn cho bà con nông dân.

Tận dụng diện tích đất bờ đê, đất trống bỏ hoang, nhiều hộ dân ở ấp Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Hanh, Châu Thành) trồng nhiều loại hoa để cung cấp cho thị trường, đặc biệt là thị trường Tết Nguyên đán. Ông Võ Văn Nguyên (sinh năm 1969, một trong những nông dân có thâm niên trồng hoa trên 20 năm) cho biết, năm nay ông xuống giống từ 2.000-3.000 cây, gồm: vạn thọ, cúc Tiger và cúc 5 màu… Trong đó tập trung chủ yếu là cúc Tiger.  Ông Nguyên chia sẻ: “Tùy theo đặc tính, thời gian sinh trưởng của từng loại cây mà lựa chọn thời điểm xuống giống phù hợp. Ví dụ như: đối với cúc Tiger có thời gian sinh trưởng dài nên thường được xuống giống từ cuối tháng 9 (âm lịch); cúc Đài Loan xuống giống sớm hơn khoảng 20 ngày. Các loại hoa khác như: cúc 5 màu, vạn thọ... có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, thường được xuống giống vào thời điểm cuối tháng 10 (âm lịch)”.

Đa dạng chủng loại hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán

Trồng hoa bán Tết đã đem lại thu nhập cho gia đình ông Nguyên vài chục triệu đồng mỗi năm. Theo ông Nguyên, để đảm bảo chất lượng hoa, ông chọn mua cây giống từ các nhà vườn ở tỉnh Đồng Tháp. “Năm nay, giá cây giống, nguyên vật liệu trồng hoa không biến động nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên, những năm gần đây, do chất lượng cây giống không được tốt khiến cho việc trồng và chăm sóc khó thực hiện hơn, nông dân thu lợi nhuận thấp hơn do phải mua nhiều để thay thế những cây bị chết”- ông Nguyên bộc bạch.

Tại làng hoa An Thạnh (xã Hòa An, Chợ Mới), những năm gần đây, bà con nông dân đã thử nghiệm các loại hoa mới để phục vụ nhu cầu của thị trường như: hoa chuông (tên gọi khác là hoa tình yêu), cát tường, hoa sao, lily, cúc Zinnia, sung mini… Bên cạnh các giống hoa mới, xu hướng của người dân những năm gần đây thay đổi theo hướng tiết kiệm, hạn chế mua các loại kiểng lớn, đắt tiền. Vì vậy, các loại hoa kiểng có giá bán bình dân đang được các nhà vườn trồng khá phổ biến. Cô Lê Thị Điệp (ấp An Thạnh, xã Hòa An) cho biết: “Các loại hoa như cúc Tiger thường có màu sắc tươi, hoa to, đẹp, giá bình dân nên được nhiều người ưa chuộng. Ngày Tết, người dân thích trưng hoa cúc do hợp túi tiền, hoa giữ được lâu” - cô Điệp chia sẻ.

Cũng theo cô Điệp, để có những chậu hoa ưng ý nở đúng dịp Tết, người trồng hoa phải biết cách chọn cây giống tốt, kỹ thuật chăm sóc chu đáo và quan trọng hơn phải xử lý cho hoa nở đúng dịp Tết mới mong có lời. Quy trình xử lý của các nhà vườn như nhau, nhưng mỗi nhà vườn có “bí quyết” riêng để chăm sóc cho cây hoa như: thông qua cách bón phân, pha thuốc, làm nụ phải phù hợp với diễn biến thời tiết...

 Nỗi lo đầu vụ

Ở ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức (Châu Phú), nhiều hộ nông dân đã và đang tất bật xuống giống hàng ngàn giỏ hoa cúc Pha Lê để kịp bán thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Ông Bành Ngươn Dũng (nông dân trồng hoa ở địa phương) cho biết, vụ hoa Tết năm nay, gia đình ông xuống giống 2.600 chậu hoa. Nguồn cây giống chủ yếu được mua ở Đà Lạt (Lâm Đồng) vì giống cây ở đây khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh, cho hoa to, đẹp nên gia đình ông rất yên tâm. Tuy nhiên, theo ông Dũng, trồng hoa Tết phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến của thời tiết. Bởi, khi tình hình thời tiết thuận lợi, hoa sẽ phát triển tốt, trổ hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Ngược lại, khi gặp thời tiết thất thường, cây sẽ chậm phát triển dễ bị sâu bệnh gây hại.

Cùng nỗi lo với ông Dũng, ông Trần Văn Sơn (nông dân trồng hoa ở xã Tân Trung, Phú Tân) cho biết, mấy năm nay, thời tiết diễn biến thất thường, càng về cuối năm, thời tiết càng biến đổi theo hướng tiêu cực nên gây bất lợi cho người trồng hoa. “Tôi trồng hoa Tết lâu năm, nhưng ngại nhất là tình hình thời tiết. Bởi, chỉ cần 1 hay 2 đám mưa trái mùa là cây bị thối rễ, thối lá, năng suất giảm. Để khắc phục khó khăn do thời tiết, người trồng hoa phải mất nhiều công sức hơn trong chăm sóc vườn hoa của mình, chi phí nhân công vì thế tốn kém hơn” - ông Sơn bộc bạch.

Hoa Tết là vụ chính trong năm, để đảm bảo lợi nhuận, người trồng hoa cần thực hiện tốt khâu phòng trừ sâu bệnh và bảo đảm dinh dưỡng cho hoa, thường xuyên theo dõi sự sinh trưởng qua từng giai đoạn để có hoa đẹp, đạt chất lượng phục vụ thị trường Tết.

ĐỨC TOÀN