Mùa mưa, nguồn nước trở nên thoải mái, kích thích cây trái, rau màu vùng núi tươi tốt. Thêm vào đó, người dân ở Bảy Núi ai cũng biết cách ứng phó với khí hậu khắc nghiệt, cải tạo vùng đất khô cằn sau mùa nắng hạn trở nên tươi tốt với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, phát huy việc trồng trọt dưới tán rừng và trồng xen vườn cây ăn trái. Dạo một vòng các con đường mòn quanh Bảy Núi, có thể dễ dàng trông thấy những thửa ruộng mênh mông một màu xanh, những miếng rẫy rau màu tươi tốt. Xa xa nhìn lên các triền núi là những vườn xoài, mãng cầu ta, chuối... xen lẫn với cây rừng xanh ngút ngàn.
Ông Chau Son (xã Núi Tô, Tri Tôn) cho biết, đất gần triền núi khó trồng được rau dưa, nên chờ mưa xuống đặt giống khoai mì là chắc ăn nhất, vì cây khoai mì chịu đất pha cát, khả năng chống chọi hạn tốt, dễ chăm sóc. Khi lên cây con, thời tiết có mưa lai rai, mà ngưng lại 5-10 ngày cũng không sao vì cây khoai mì ít cần nước hơn so với mấy loại cây trồng khác. “mùa mưa, ai cũng phải tận dụng trồng trọt để kiếm thêm thu nhập bù đắp lại mấy tháng nắng hạn” - ông Chau Son cho biết.
Cư dân xứ núi bắt đầu trồng trọt vào mùa mưa
Tranh thủ những cơn mưa sớm, cư dân ở khu vực Tà Lọt bắt tay làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh và chăm bón dinh dưỡng cây ăn trái, trồng các loại rau màu, bắp, khoai cao, mướp… tạo thêm nguồn thu nhập. Ông Lê Thanh Nguyên (xã An Cư, Tịnh Biên) cho biết, mưa đầu mùa hồi tháng 4 (âm lịch) vừa rồi đã kích thích khoảng 1.000 cây mãng cầu ta 6 năm tuổi trồng xen xoài ở 10 công của ông trên triền núi Dài ra hoa, đậu trái. Hiện tại, ông Nguyên đang tập trung chăm sóc để chuẩn bị cho đợt thu hoạch vụ trái mãng cầu ta đầu tiên. Theo đánh giá ban đầu, năng suất và chất lượng trái của cây mãng cầu ta năm nay vượt trội năm ngoái, do tiết trời có phần thuận lợi hơn.
Đang loay hoay cân ký cho bạn hàng số mướp vừa bẻ từ đám rẫy sau nhà, anh Huỳnh Văn Đô (xã Châu Lăng, Tri Tôn) cho biết, trồng trọt ở vùng Bảy Núi vào mùa mưa cư dân miền núi phải khéo chọn những loài cây phù hợp với từng độ cao để giảm bớt công vận chuyển và chi phí. Ngoài cây ăn trái bản địa, các loại cây rau màu “lấy ngắn nuôi dài” trồng ở vùng đất núi rất phong phú và đa dạng chủng loại. Tuy nhiên, cư dân ở Bảy Núi chỉ trồng những giống rau màu lấy trái hoặc lấy củ, chứ không có loại ăn lá như vùng đồng bằng do lệ thuộc thổ nhưỡng và thời tiết. “Bắt đầu mùa mưa năm nay dễ chịu hơn các năm trước, khoảng 2 tháng nay mưa đều đều. Nhờ vậy mà 10 công mướp, đậu rồng, đậu đũa… của tôi phát triển tốt. Mỗi ngày, vợ chồng tôi hái không dưới 100kg nông sản bán cho thương lái đi Campuchia và Kiên Giang” - anh Đô cho hay.
Nông sản mùa mưa ở Bảy Núi
Mùa mưa khí hậu Bảy Núi trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn, các con suối, hồ nước bắt đầu tích nước, rừng trở lại xanh tươi, các vườn cây ăn trái bắt đầu đua nhau ra trái xum xuê. Những ngày này, dọc theo các con đường ở Tri Tôn và Tịnh Biên rất dễ thấy các sạp, kệ nhỏ bên vệ đường mà nhiều khi chỉ đơn giản là chiếc mâm gỗ, rổ nhựa hay giỏ tre được dùng để bày bán bơ sáp, bơ muỗng, bơ tròn, mãng cầu ta, mãng cầu xiêm… vừa được thu hoạch từ các nhà vườn xứ núi. “Bơ sáp núi Cấm đây, mời ghé vào xem và ăn thử. Cây trồng trên núi vừa hái xuống, đảm bảo vừa ngon vừa sạch, không thua bơ Đà Lạt, ăn thử đi, ngon lắm!” - chị Lê Thị Minh Nguyệt (xã An Hảo, Tịnh Biên) nhiệt tình. Bên cạnh đó, mùa mưa còn mang lại đủ các loại rau rừng và món ăn đặc sản nổi tiếng ở vùng Bảy Núi, như: măng tre, trái su, cua núi, ốc núi, ếch nướng… góp phần thu hút một lượng lớn khách du lịch tìm đến thưởng thức và khám phá, trải nghiệm.
“Tôi rất ấn tượng với 2 mùa mưa, nắng ở vùng Bảy Núi, mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng. Nhưng tôi thích nhất là mùa mưa, vì không khí mát mẻ dễ chịu hơn, đồng lúa, rừng núi xanh tươi và cảnh vật chụp ảnh cũng đẹp hơn. Quan trọng nhất là mùa mưa ở Bảy Núi có nhiều cây trái và món ngon cực kỳ hấp dẫn”- Lê Bảo Nhật Thảo (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.
TRỌNG TÍN