Băng trôi trên Vịnh Baffin ở gần Pituffik, Greenland, ngày 20/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong báo cáo chi tiết về sự tàn phá của biến đổi khí hậu, WMO cho biết trong thập niên 2013-2022, mực nước biển trung bình toàn cầu dâng thêm 4,62mm/năm, tăng gấp đôi so với thập niên 1993-2002, chủ yếu do sông băng tan chảy và nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục. Như vậy, kể từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, mực nước biển trung bình toàn cầu đã dâng tổng cộng hơn 10 cm. Mực nước biển dâng cao đe dọa một số thành phố ven biển và sự tồn tại của các quốc gia nằm ở vùng trũng thấp như đảo Tuvalu.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết nồng độ khí nhà kính trong khí quyển tiếp tục lên mức kỷ lục, làm gia tăng nhiệt độ trên đất liền và đại dương, khiến các dải băng và sông băng tan chảy, mực nước biển dâng cao và làm axit hóa các đại dương. Ông cảnh báo sự biến mất của các sông băng sẽ làm giảm nguồn cung cấp nước ngọt cho con người và hoạt động nông nghiệp, đồng thời gây đình trệ các tuyến giao thông vận tải đường thủy.
Báo cáo thường niên của WMO, được công bố một ngày trước Ngày Trái Đất (22/4), cũng cho thấy băng biển ở Nam Cực đã tan chảy và giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 6-7/2022. Các đại dương cũng chứng kiến nền nhiệt cao nhất từng ghi nhận, với khoảng 58% bề mặt đại dương trải qua một đợt sóng nhiệt.
Tuy nhiên, người đứng đầu WMO cho rằng thế giới đang có các công cụ phù hợp để chống biến đổi khí hậu, trong đó có các giải pháp năng lượng xanh. Ông dự báo nhiệt độ trên "Hành tinh Xanh" có thể tăng 2,5-3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thay vì mức tăng 3-5 độ C như dự báo đưa ra năm 2014. Cũng theo quan chức này, hiện không còn mối liên quan giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng khí thải khi 32 quốc gia trên thế giới đã giảm lượng khí thải nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng.
Theo PHAN AN (TTXVN)