Anh Đinh Thanh Lâm (31 tuổi, ngụ khóm Tây Khánh 8, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) làm nghề bán dừa dạo. Mỗi ngày, anh đi bán từ sáng sớm ở khu vực phường Bình Khánh, đến trưa chạy về đường Nguyễn Văn Linh (nối dài, phường Mỹ Phước), đậu xe lại bán. Chiều chiều, anh tranh thủ chạy xuống chợ nổi Long Xuyên, lấy thêm hàng về bán.
Vào những ngày nắng nóng, trái dừa càng khiến người bán vất vả hơn khi thường xuyên ôm lên chất xuống. Chưa nói đến việc đẩy xe đi bán khắp các đường phố, khu chợ. Bán dừa ngày nắng tuy cực, nhưng dễ bán hơn những ngày mưa. Khách của anh Lâm đa phần là người đang lưu thông, thuận tiện ghé mua.
“Đôi lúc nắng quá, tôi bị choáng, phải ngồi nghỉ một chút mới đi tiếp được. Nhiều lần tôi muốn đậu xe những nơi có bóng râm để bán nhưng bán không được, phải đậu xe ra nắng mới có người mua. Công việc có phần nặng nhọc, nhưng thu nhập mỗi ngày khoảng 300.000 đồng, khá ổn định, đủ để tôi trang trải cuộc sống gia đình, là niềm vui của mình” - anh Lâm chia sẻ.
Ở tuổi ngoài 60, ông Tạ Thanh Hùng (ngụ phường Mỹ Phước) mỗi ngày vẫn phải lội bộ nhiều nơi để bán vé số. Ông bắt đầu đi bán từ tờ mờ sáng, dọc theo các tuyến đường, bất chấp thời tiết nắng nóng gay gắt, áo ướt đẫm mồ hôi. Ông Hùng kể, vì lo cho sức khỏe của ông, vợ dặn không được đi bán xa. Ông hay quên, bà sợ ông xảy ra chuyện.
Trước đó, ông từng bị tai nạn giao thông, người ta đụng rồi bỏ chạy, không quan tâm đến thương tích của ông. Hậu quả là sau đợt điều trị, sức khỏe có phần ảnh hưởng, chân phải dùng nạng. Việc di chuyển ngoài nắng cả ngày càng khó khăn, vất vả hơn nhiều. Đi bán vé số, ông Hùng luôn đem theo bên mình 1 chai dầu, một ít thuốc, phòng khi đau bệnh có mà dùng. Được đi bán mỗi ngày làm ông thấy vui hơn trong cuộc sống, thu nhập hơn 100.000 đồng phụ giúp người nhà.
Vì vậy, dù đi đứng khó khăn, giữa cái nắng như đổ lửa, nhưng ông luôn tươi cười, vui vẻ, lạc quan và yêu nghề. “Tôi lớn tuổi, không làm được việc nặng nhọc, chịu khó đi bộ bán vé số, cũng được chút đỉnh tiền chợ. Còn ở nhà thì cuộc sống chật vật hơn nhiều” - ông Hùng tâm sự.
Vào nghề shipper (giao hàng) gần 4 năm, ông Lưu Khoa Nam (ngụ khóm Tây Khánh 4, phường Mỹ Hòa) cho biết: “Nếu việc giao hàng suôn sẻ, cả ngày tôi có thể giao từ 50-60 đơn hàng. Đôi lúc giữa cái nắng chang chang, khách không có mặt ở địa chỉ giao hàng, hoặc nhờ giao ở địa chỉ khác, tôi vẫn phải chạy vòng đi, vòng lại vài ba lần mới giao được hàng, tiền công không đủ bù chi phí. Đó là chưa kể đến chuyện, đội nắng đội mưa đến giao hàng cho khách, khách không ưng ý rồi từ chối nhận hàng, “bom hàng”, thủ tục hoàn trả phức tạp”.
Công việc của ông không chỉ chuyên chở hàng, mà còn bỏ công sức tìm nhà khách hàng, chờ đợi, gọi điện cho khách, đôi lúc giao cho khách ở những nơi rất khó tìm. Theo ông Nam, nghề nào cũng lắm gian nan, nghề giao hàng của ông cũng vậy, công việc chạy ngoài trời cả ngày lúc nắng, lúc mưa gặp không ít vất vả và rủi ro. Bù lại, nghề này giúp ông có thu nhập ổn định và nhiều trải nghiệm thú vị trong cuộc sống, biết thêm về đường phố, được giao tiếp với nhiều người...
Những người lao động ngoài trời như anh Lâm, ông Hùng hay ông Nam, dù mệt mỏi dưới cái nắng như “lửa đốt”, họ chỉ có thể lặng lẽ ngồi lau những giọt mồ hôi, chấp nhận cái nóng, đối mặt với rất nhiều rủi ro trên đường.
Tuy nhiên, bất kỳ nghề nào cũng có vất vả, khổ cực và thuận lợi riêng, miễn sao mang đến cho họ thu nhập chân chính. Điều này quý giá hơn rất nhiều so với việc ỷ lại, lười biếng, trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác hoặc chọn công việc không phù hợp khả năng, trình độ của mình. Họ vẫn luôn nỗ lực sống và làm việc tốt từng ngày, bằng sức lao động của mình, nghị lực đó đáng được trân trọng!
Để có thể mưu sinh tốt trong mùa nắng nóng, người lao động cần chủ động các biện pháp chống nắng, chống nóng, như: Mặc quần áo che phủ tay chân, đội nón, đeo khẩu trang… Đừng quá tham công tiếc việc, không dám nghỉ ngơi, như thế càng ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả lao động. |
THANH SƠN