Nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange gặp gỡ báo giới tại ban công Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) ngày 2-5-2016. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong thông báo, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng ông Assange đã vi phạm luật pháp khi công bố tên của các nguồn tin mật, cũng như đã cấu kết và phối hợp với Chelsea Manning - một chuyên gia phân tích tình báo của quân đội Mỹ nhằm đánh cắp nhiều tài liệu bí mật
Như vậy, ông Assange đang đối diện với tổng cộng 18 cáo buộc. Trước đây, nhà sáng lập WikiLeaks bị cáo buộc đã cấu kết với Manning trong việc truy cập máy tính của chính phủ để đánh cắp hàng trăm nghìn báo cáo của quân đội Mỹ về cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Theo truyền thông Mỹ, ông Assange cũng bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Gián điệp của nước này khi công bố các tài liệu ngoại giao và quân sự hồi năm 2010, đồng thời Bộ Tư pháp Mỹ đã bác bỏ tuyên bố của ông Assange rằng ông là một nhà báo.
Trước đó, ngày 1-5, ông Assange đã bị tuyên phạt 50 tuần tù giam do vi phạm các điều khoản bảo lãnh hồi năm 2012 khi ông tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở Anh nhằm tránh bị dẫn độ về Thụy Điển.
Hôm 11-4 vừa qua, cảnh sát Anh bắt giữ ông Assange tại Đại sứ quán Ecuador với cáo buộc vi phạm các điều khoản bảo lãnh tại ngoại cách đây 7 năm, và theo yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ liên quan tới việc WikiLeaks phát tán hàng nghìn tài liệu chính thức của quốc gia này. Ông này đã tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London từ năm 2012 để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển xét xử các cáo buộc xâm hại tình dục và cưỡng hiếp. Ông luôn phủ nhận mọi cáo buộc trên và gọi đó là âm mưu chính trị, liên quan tới vụ rò rỉ thông tin mật của quân đội Mỹ và nhiều tài liệu ngoại giao của quốc gia này. Ông này cũng luôn khẳng định việc bị dẫn độ về Thụy Điển sẽ mở đường cho quá trình dẫn độ ông về Mỹ.
Theo ANH HIỂN (TTXVN)