Tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ngày 4-4 cho biết, khoảng 165 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm chủng, chiếm 79% tổng số liều đã được phân phối. Trong bảy ngày qua, trung bình mỗi ngày nước này tiêm chủng khoảng 3,1 triệu liều.
Đến nay, khoảng 32% dân số Mỹ (tương đương 106 triệu người) đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, 18,5% dân số (tương đương 61 triệu người) đã được tiêm phòng đầy đủ.
Tại Hàn Quốc, tính đến ngày 4-4, nước này đã trải qua năm ngày liên tiếp ghi nhận hơn 500 ca mắc mới. Trước tình hình này, các cơ quan y tế Hàn Quốc cảnh báo nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới trong mùa xuân.
Từ khi bắt đầu bùng phát vào giữa tháng 11-2020, làn sóng thứ ba đến nay đã cho thấy một số dấu hiệu hạ nhiệt. Số ca mắc mới tính theo ngày dao động từ 300 đến hơn 400 ca trong hơn một tháng sau khi đạt đỉnh 1.241 ca trong ngày 25-12-2020.
Các cơ quan y tế Hàn Quốc cảnh báo, một làn sóng dịch bệnh mới sẽ bùng phát nếu cụm lây nhiễm tại các cơ sở như bệnh viện, công sở, phòng tắm hơi... tiếp tục tăng. Một nguyên nhân khác có thể dẫn đến dịch bệnh bùng phát là người dân di chuyển nhiều hơn trong không khí ấm áp của mùa xuân.
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, tháng 4-2021. (Ảnh: Yonhap)
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giới chức Hàn Quốc đã kéo dài thực hiện các biện pháp giãn cách cấp độ 2 tại vùng thủ đô Seoul, nơi sinh sống của một nửa dân số tại quốc gia có 51 triệu dân, thêm hai tuần cho đến ngày 11-4. Những khu vực còn lại được đặt dưới cấp độ giãn cách 1,5 trong cùng thời gian.
Kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng từ ngày 26-2 đến nay, 962.083 người đã được tiêm vaccine. 855.929 người được tiêm vaccine của AstraZeneca, trong khi 106.154 người được tiêm vaccine của Pfizer. Hàn Quốc hướng tới mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.
Cuối tuần qua, Chính phủ Anh thông báo sẽ thử nghiệm hệ thống xác nhận tình trạng miễn dịch Covid-19 của người dân tại các sự kiện như các trận bóng đá trong những tuần tới, như một cách để dần thoát khỏi các biện pháp hạn chế để phòng dịch bệnh.
Thông báo xác nhận các kế hoạch của chính phủ phát hành chứng nhận cho thấy một người đã tiêm chủng hay chưa, đã có kháng thể sau thời gian mắc bệnh hay có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SAS-CoV-2 hay không. Các kế hoạch này vẫn được triển khai dù vấp phải sự phản đối từ một bộ phận nghị sĩ trong đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Boris Johnson và Công đảng đối lập.
Thông báo nêu rõ, các hệ thống này có thể được triển khai tại các sự kiện lớn từ giữa tháng 4. Chính phủ sẽ công bố kế hoạch chi tiết trong ngày 5-4. Thông báo dẫn lời ông Johnson cho biết, Chính phủ Anh đang làm tất cả để đưa người dân trở lại nhịp sống thông thường, tham dự sự kiện, đi du lịch và những hoạt động khác. Việc thử nghiệm sẽ là bước quan trọng để mở đường thực hiện mục tiêu này.
Tới nay, Anh đã tiêm chủng mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên cho hơn 31 triệu người và mũi thứ hai cho hơn năm triệu người. Hệ thống xác nhận tình trạng dịch tễ của người dân dự định được sử dụng cho các sự kiện tập trung số lượng lớn người tham gia như ở các câu lạc bộ đêm, lễ hội, sự kiện thể thao. Tuy nhiên, hệ thống này không được sử dụng trên các phương tiện giao thông công cộng hay trước khi vào các cửa hàng thiết yếu. Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) đang phát triển các loại thẻ định danh (ID) kỹ thuật số và ID thông thường để phục vụ triển khai hệ thống.
Chính phủ Anh cũng dự định sẽ xếp loại các quốc gia trên thế giới theo hệ thống "đỏ, xanh, hổ phách" về nguy cơ dịch bệnh khi mở lại hoạt động đi lại quốc tế từ ngày 17-5. Người dân sẽ được phép tới các quốc gia thuộc nhóm "xanh" để du lịch, giải trí, chỉ cần xét nghiệm trước khi đi và khi trở về, tuân thủ yêu cầu cách ly hoặc tự các ly sau khi trở về.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 5-4 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 131.897.800 ca mắc, 2.865.517 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 31.420.331 ca mắc, 568.777 ca tử vong
2. Brazil: 12.984.956 ca mắc, 331.530 ca tử vong
3. Ấn Độ: 12.587.920 ca mắc, 165.132 ca tử vong
4. Pháp: 4.822.470 ca mắc, 96.678 ca tử vong
5. Nga: 4.580.894 ca mắc, 100.374 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.534.255 ca mắc, 41.669 ca tử vong
2. Philippines: 795.051 ca mắc, 13.425 ca tử vong
3. Malaysia: 350.959 ca mắc, 1.288 ca tử vong
4. Myanmar: 142.497 ca mắc, 3.206 ca tử vong
5. Singapore: 60.478 ca mắc, 30 ca tử vong
6. Thái Lan: 29.127 ca mắc, 95 ca tử vong
7. Việt Nam: 2.631 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 2.689 ca mắc, 19 ca tử vong
9. Brunei: 214 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 49 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 40.438.694 ca mắc, 926.213 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 36.181.856 ca mắc, 824.557 ca tử vong
3. Châu Á: 29.335.588 ca mắc, 434.419 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 21.577.577 ca mắc, 565.039 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.305.201 ca mắc, 114.131 ca tử vong
6. Châu Đại dương: 58.163 ca mắc, 1.143 ca tử vong
Theo Báo Nhân Dân