Băng trôi tại Vịnh Chiriguano, quần đảo Nam Shetland, Nam Cực. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN.
Lớp băng bề mặt ở Nam Cực đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy vào thời điểm này trong năm.
Hàng năm, cứ đến cuối tháng 2, băng biển ở Nam Cực thu hẹp đến mức thấp nhất do mùa hè đến. Sau đó, băng biển được hình thành trở lại trong mùa đông. Nhưng năm nay các nhà khoa học đã quan sát được điểm khác biệt.
Băng biển đã không trở lại gần như mức dự kiến. Trên thực tế, nó đang ở mức thấp nhất vào thời điểm này trong năm kể từ khi các dữ liệu được ghi nhận cách đây 45 năm. Theo dữ liệu từ Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia (NSIDC), diện tích băng rộng khoảng 1,6 triệu km2, dưới mức thấp kỷ lục mùa đông trước đó được thiết lập vào năm 2022.
Vào giữa tháng 7, băng biển ở Nam Cực thấp hơn 2,6 triệu kilômét vuông so với mức trung bình của giai đoạn 1981-2010. Diện tích này rộng gần diện tích của Argentina.
Hiện tượng này đã được một số nhà khoa học mô tả là ngoại lệ và hiếm gặp, có khả năng hàng triệu năm mới xảy ra một lần.
Ted Scambos, một nhà nghiên cứu về sông băng tại Đại học Colorado Boulder (Mỹ), cảnh báo: “Thật vô nghĩa khi nói về khả năng xảy ra theo cách mà hệ thống đã từng hoạt động. Hệ thống khí hậu rõ ràng đã thay đổi”.
Nam Cực là một lục địa xa xôi và phức tạp. Không giống như Bắc Cực - nơi băng biển luôn có quỹ đạo đi xuống khi khủng hoảng khí hậu gia tăng, băng biển ở Nam Cực dao động bất thường từ mức cao kỷ lục xuống mức thấp kỷ lục trong vài thập kỷ qua, khiến các nhà khoa học khó hiểu hơn về cách phản ứng của khu vực này trước hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Kể từ năm 2016, các nhà khoa học đã bắt đầu quan sát thấy xu hướng giảm mạnh.
Ông Scambos nhận định: “Hệ thống băng Nam Cực luôn thay đổi. Tuy nhiên, mức độ thay đổi hiện tại này nghiêm trọng đến mức một số thứ đã thay đổi triệt để trong hai năm qua”.
Chuyên gia Scambos cho rằng mức băng biển thấp kỷ lục trong mùa đông này là một tín hiệu rất đáng báo động. “Năm 2016, biển băng ở Nam Cực lần đầu tiên giảm mạnh. Kể từ năm 2016, nó vẫn ở mức thấp và bây giờ kỷ lục chạm đáy đã bị phá vỡ”.
Các nhà khoa học chỉ ra một số yếu tố dẫn đến hiện tượng mất băng biển, bao gồm sức mạnh của gió Tây quanh Nam Cực, liên quan đến sự gia tăng ô nhiễm làm nóng Trái Đất.
“Nhiệt độ đại dương ấm hơn ở phía Bắc ranh giới Nam Cực Đại dương so với phần còn lại của các đại dương trên thế giới cũng là một phần lý do khiên băng mất đi và không trở lại được như cũ.
Theo ông Scambos, sự xuất hiện hiện tượng chưa từng có trong mùa đông này có thể cho thấy một sự thay đổi lâu dài đối với lục địa bị cô lập này.
“Có nhiều khả năng là chúng ta sẽ không thấy trong một thời gian dài trong tương lai, hệ thống băngNam Cực phục hồi như cách nó từng hoạt động cách đây 15 năm. Thậm chí điều đó có thể là ‘không bao giờ”, ông Scambos cảnh báo.
Trong khi đó, một số chuyên gia đưa ra nhận định thận trọng hơn. Julienne Stroeve, một nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia, cho hay: “Đó là một sự khác biệt lớn so với mức trung bình nhưng chúng tôi biết rằng biển băng ở Nam Cực luôn có sự thay đổi lớn từ năm này sang năm khác. Nên chúng ta chưa thể xác định hiện tượng này có được coi là một việc bình thường mới hay không”.
Băng biển đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống khí hậu toàn cầu. Mặc dù nó không ảnh hưởng trực tiếp đến mực nước biển dâng luôn trôi nổi trong đại dương, nhưng phần nào gây ra tác động gián tiếp. Sự biến mất của băng biển Nam Cực khiến các dải băng ven biển và sông băng tiếp xúc với sóng và nước biển ấm, khiến chúng dễ bị tan chảy và tách rời.
Việc thiếu băng biển cũng có thể có tác động đáng kể đến sinh vật hoang dã Nam Cực, bao gồm cácloài nhuyễn thể mà nhiều loài cá voi, chim cánh cụt và hải cẩu dựa vào để kiếm ăn.
Băng biển ở Nam Cực góp phần điều chỉnh nhiệt độ của hành tinh. Điều này có nghĩa là sự biến mất của nó có thể gây ra các tác động theo tầng vượt ra ngoài lục địa.
Các khu vực riêng lẻ của Nam Cực đã chứng kiến những thay đổi đáng báo động trong một thời giandài vừa qua. Bán đảo Nam Cực, một dãy núi băng giá nhọn nhô ra khỏi phía Tây, được ghi nhận là một trong những nơi nóng lên nhanh nhất ở Nam bán cầu.
Năm ngoái, các nhà khoa học cho biết sông băng Thwaites rộng lớn ở Tây Nam Cực - còn được gọi là "Sông băng Ngày tận thế" - đang đứng trước nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc” khi Trái Đất nóng lên.Các nhà khoa học đã ước tính mực nước biển dâng toàn cầu có thể tăng khoảng 3 m nếu Thwaites sụp đổ hoàn toàn, tàn phá các cộng đồng ven biển trên khắp thế giới.
Theo Báo Tin Tức