Bàn tay của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, phát biểu tại cuộc họp báo của chính phủ, ông Phaahla cho biết bệnh nhân là một nam giới 30 tuổi ở thành phố Johannesburg, không có tiền sử đi lại và điều này có nghĩa là bệnh nhân không thể được cho là do mắc bệnh bên ngoài Nam Phi. Ông cũng cho biết thêm cơ quan y tế đang tiến hành các quá trình theo dõi sự lây lan của căn bệnh.
Trong cùng ngày 23/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ quyết định có tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không. Điều này đã làm dấy lên những lời chỉ trích từ một số nhà khoa học hàng đầu châu Phi, những người nói rằng đây là một cuộc khủng hoảng đối với một số nước châu Phi trong nhiều năm.
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh do virus hiếm gặp cùng họ với bệnh đậu mùa gây ra nhưng với mức độ nhẹ hơn nhiều, với các triệu chứng giống như bệnh cúm, sốt và các tổn thương như phát ban dạng mụn nước trên da. Loại virus này là loài đặc hữu ở các vùng của châu Phi, hầu hết ở các vùng xa xôi của các nước Trung và Tây Phi, gần các khu rừng rậm nhiệt đới.
Tuy nhiên, trong năm nay đã có số lượng người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ cao bất thường bên ngoài châu Phi mà không có liên kết du lịch với khu vực. Số liệu cho thấy từ tháng 5, đã có hơn 3.000 báo cáo về bệnh đậu mùa khỉ từ một số quốc gia châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, Maroc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Theo Viện nghiên cứu quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nam Phi (NICD), bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi gây tử vong nhưng những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra ở trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm. NICD nhận định đây là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở nhiều quốc gia và đã là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lớn nhất được ghi nhận.
Theo HỒNG MINH (TTXVN)