Nét xưa tranh kiếng

18/12/2022 - 10:40

 - Hình thành gần 80 năm, nghề làm tranh kiếng tại cù lao Chợ Mới (tỉnh An Giang) tập trung ở ấp Long Tân, xã Long Điền B. Tuy số cơ sở sản xuất đến nay còn rất ít, nhưng thị trường đón nhận những mẫu tranh truyền thống vẫn còn rộng mở, phân phối khắp ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam Bộ.

Cơ sở tranh kiếng Thanh Hòa là một trong những nơi còn sản xuất tranh quy mô. Theo phương pháp làm tranh, sản phẩm được chia 3 loại, gồm: Tranh thủ công, tranh 3D và tranh lụa. Theo mục đích sử dụng tranh chia thành: Loại thờ, phong cảnh và tranh chữ cỡ nhỏ. Trong mỗi nhóm lại có nhiều sản phẩm phong phú và kích cỡ đa dạng.

Tùy loại tranh mà các công đoạn làm có các bước khác nhau. Điển hình như tranh xà cừ thực hiện qua 5-6 công đoạn, cần bàn tay thủ công để làm từng chi tiết nhỏ, rắc kim tuyến, phủ lớp sơn sau cùng…

Trong khi đó, tranh in lụa sản xuất bán thủ công. Còn tranh in công nghệ hoàn toàn chỉ qua 1 bước thao tác bằng máy, mỗi ngày có thể cho ra hàng trăm sản phẩm.

Nhiều loại máy đã được đưa vào sản xuất, hỗ trợ cho các cơ sở, nhưng chỉ thay thế phần nào và áp dụng với số ít nhóm tranh, còn lại vẫn cần đến bàn tay người lao động.

Những mẫu tranh đặt hàng cận ngày, cơ sở phải phơi nắng để kịp tiến độ thay vì chờ khô qua vài ngày như thường lệ.

Vẽ ngược là phương pháp thủ công xưa độc đáo để thực hiện tranh kiếng, đến nay chỉ còn vài người biết kỹ thuật. Trình tự các nét vẽ phải thực hiện ngược, sau khi lật tấm kính lại sẽ ra mặt chính của tranh.

Bà Lê Thị Tám, một trong số nghệ nhân còn làm tranh thủ công bằng phương pháp này mỗi khi có khách đặt hàng những mẫu tranh xưa. Công việc này rất khó khăn bởi gia công tỉ mỉ, mất thời gian nhiều ngày mới hoàn thành.

Chẳng hạn bức tranh “Phúc Thọ” này được một khách hàng yêu cầu vẽ theo mẫu cũ của gia đình, bà cần ít nhất cần 1 tuần mới hoàn thành. Không chỉ đòi hỏi tay nghề giỏi, việc lựa chọn màu, pha màu cũng kỳ công hơn nhiều, bởi các mẫu tranh khoảng vài chục năm trước thường đa màu sắc, rực rỡ, nhiều chi tiết.

Tranh sau khi được vẽ trên kiếng, lồng vào khung gỗ, là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu của các gia đình. Nhất là ở vùng nông thôn, nhà lớn hay nhỏ đều phải có chỗ thờ cúng ông bà.

MỸ HẠNH