Do đó, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề ô nhiễm trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đã và đang trở thành một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Cũng chính vì lý do này, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai Xanh” cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2020 (26-4), theo đó đặt đổi mới sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo làm trọng tâm của những nỗ lực hình thành nên một hành tinh ít khí thải carbon.
Băng tan tại Greenland. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo một báo cáo công bố tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP25) tháng 12/2019, băng ở Greenland đang tan chảy nhanh gấp 7 lần so với trong những năm 1990 và 1/3 dân số thế giới đang có nguy cơ không có nước sạch sinh hoạt. Trong khi đó, dữ liệu của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy Trái Đất vừa trải qua 5 năm nóng kỷ lục kể từ năm 2010. Cả thế giới đều đang cảm nhận được tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, với những cơn bão, lũ, hạn hán, cháy rừng xảy ra thường xuyên, ngày càng dữ dằn và khó lường hơn.
Trên toàn thế giới, nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đang được nâng cao. Các chính phủ, doanh nghiệp và mọi người dân đều đang chung tay hành động để giải quyết hiện tượng biến đổi khí hậu. Thế nhưng đó không phải là một bài toán đơn giản và có thể giải quyết chóng vánh.
Về phương diện nào đó, công nghệ đã gây ra tình trạng suy thoái môi trường. Song công nghệ cũng là một chìa khóa quan trọng để mở ra cánh cửa tới tương lai Xanh và hệ thống sở hữu trí tuệ đóng vai trò then chốt để hỗ trợ các công tác phát triển và thử nghiệm những công nghệ, sản phẩm và dịch vụ cần thiết nhằm giảm thiểu lượng khí thải.
Quyền sở hữu trí tuệ khuyến khích đổi mới sáng tạo hơn nữa bằng cách đảm bảo rằng các nhà sáng chế, chủ thể sáng tạo có được sự công nhận, cũng như nguồn thu nhập xứng đáng và bền vững đối với chất xám mà họ đã bỏ ra. Các sáng kiến liên quan công nghệ môi trường ngày càng tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Sáng chế liên quan công nghệ Xanh như tái chế, làm sạch nước, xử lý khí thải độc hại, phục hồi hệ sinh thái… đã và đang được tiếp tục nghiên cứu, triển khai, ứng dụng một cách hiệu quả và phù hợp.
Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, Trung Quốc đi đầu trong công cuộc đầu tư vào công nghệ Xanh như năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, cũng như các phương tiện giao thông chạy bằng điện nhằm cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố.
Trong khi đó, tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đặt ra mục tiêu cho đến năm 2050 khu vực này sẽ trung hòa lượng carbon. Thậm chí một số vùng và thành phố còn muốn tiến nhanh hơn, trong đó thành phố Copenhagen của Đan Mạch đặt mục tiêu cho đến năm 2025 sẽ trở thành thủ đô đầu tiên trên thế giới trung hòa được lượng khí CO2.
Năm 2019, trang trại turbin gió Horns Rev 3 đã được khai trương ở khu vực biển phía Tây của Đan Mạch. Với 49 turbin sản xuất được 407 MW, trang trại này “đủ để đáp ứng mức tiêu thụ điện cho khoảng 425.000 hộ dân ở Đan Mạch mỗi năm”.
Còn tại Maroc, nhà máy Noor có diện tích khoảng 1,4 triệu mét vuông dự kiến sẽ trở thành một trong những nhà máy năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới sau khi hoàn tất. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nhà máy này sẽ giúp Maroc giảm thiểu đáng kể sự phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch, cũng như giảm hàng trăm nghìn tấn khí phát thải ở nước này mỗi năm.
Tại Việt Nam, Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 đặt mục tiêu quan trọng là đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Các giải pháp công nghệ như thiết bị xử lý khí thải XLKT-HB0005GPCN, thiết bị thu hồi và tái chế chất thải nguy hại trong công nghiệp, hay công nghệ xử lý rác thải thành nguồn tài nguyên có lợi... đã được áp dụng trong thực tiễn.
Bằng độc quyền sáng chế không chỉ giúp các doanh nghiệp bảo đảm được khoản đầu tư khổng lồ để có thể thực hiện được các dự án năng lượng xanh có quy mô lớn nêu trên mà còn hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo quy mô nhỏ hơn, phần lớn trong số đó tìm cách mang lại lợi ích cho cộng đồng nghèo tài nguyên ở các quốc gia đang phát triển. Các hộ gia đình ở một số khu vực xa xôi nhất trên thế giới cũng đang được hưởng lợi từ các công nghệ được bảo hộ sáng chế giúp cung cấp nguồn chiếu sáng sạch, an toàn và chi phí hợp lý. Ví dụ như những chiếc đèn lồng do các doanh nghiệp xã hội như Nokero hay SaLT sản xuất đã giúp người dân ở Zimbabwe giảm sự phụ thuộc vào dầu hỏa. Hay nhà vệ sinh tiết kiệm nước EcoSan, giúp cải thiện cuộc sống sinh hoạt và môi trường ở những vùng nông thôn khan hiếm nước và hệ thống cống thải. Hoặc công nghệ thu sương mù CloudFisher® cung cấp nguồn nước sạch bền vững, với chi phí hợp lý, giúp giảm thiểu tình trạng thiếu nước ở các vùng núi khô cằn. Công nghệ ngôi nhà thông minh Azuri đưa các thiết bị và dịch vụ năng lượng Mặt Trời tới các gia đình không có điện lưới trên khắp châu Phi.
Quyền sở hữu trí tuệ cũng áp dụng đối các sản phẩm, dịch vụ như đồ nội thất, thời trang, thiết bị điện tử cá nhân hay bao bì… Đối với các nhà thiết kế, ý thức ngày càng cao khiến họ luôn cân nhắc xem xét yếu tố an toàn và bền vững của sản phẩm đối với môi trường nhằm đảm bảo không tạo ra rác thải gây hại.
Ngành công nghiệp thời trang vốn được xem là ngành gây ô nhiễm thứ hai trên thế giới cũng đang cho thấy xu hướng thân thiện hơn với môi trường.
Từ năm 2015, Giải thưởng Global Change của Quỹ H&M với mục đích phi lợi nhuận dành cho “các nhà sáng tạo, những người đã đưa ra những giải pháp làm thay đổi guồng quay của ngành công nghiệp thời trang theo xu hướng bảo vệ hành tinh và điều kiện sống của chúng ta”.
Tháng 4/2019, hãng thời trang thể thao Adidas cho ra mắt mẫu giày FUTURECRAFT.LOOP - loại “giày chạy được sản xuất để tái tạo”. Loại giày chạy được sản xuất từ 100% vật liệu tái chế này được Adidas giới thiệu là sản phẩm đầu tiên được làm ra “với mục đích giải quyết vấn đề rác thải nhựa, tạo thành vòng khép kín, mô hình sản xuất xoay vòng, trong đó nguyên liệu thô được tái sử dụng nhiều lần”.
Với mục tiêu đẩy lùi “ô nhiễm trắng”, công ty khởi nghiệp Evoware của Indonesia phát triển biện pháp thay thế túi nhựa đựng thực phẩm bằng túi làm từ tảo biển. Trong khi đó, hãng Ecover của Bỉ cũng cho ra đời các sản phẩm nước giặt, nước rửa chén, dung dịch rửa tay làm từ nguyên liệu phân hủy sinh học với bao bì có thể tái chế được.
Khi nhắc đến sở hữu trí tuệ, tất nhiên không thể bỏ qua quyền tác giả bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, cũng như báo chí. Quyền tác giả bảo đảm rằng các chủ thể sáng tạo có nguồn thu tài chính được nhờ vào các tác phẩm của mình. Ví dụ như nhà hoạt động vì khí hậu trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg sẽ nhận được tiền bản quyền từ việc cho phép phát hành bài phát biểu “No one is too Small to Make a Difference” (tạm dịch: Chẳng ai quá nhỏ bé để không thể tạo nên sự khác biệt). Tương tự, hệ thống bảo hộ quyền tác giả cũng hỗ trợ sản xuất các bộ phim tài liệu hấp dẫn như “Blue Planet” (Hành tinh Xanh) và “Seven Worlds One Planet” (Bảy Thế giới, một Hành tinh) của đài BBC.
Sở hữu trí tuệ thực sự đóng vai trò động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo để phát triển tài sản giá trị quốc gia cả về số lượng và giá trị. Kể từ năm 2000, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới được WIPO kỷ niệm thường niên nhằm tri ân, tôn vinh các chủ thể sáng tạo, đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ trong cuộc sống hằng ngày. Bằng việc khích lệ và ủng hộ các giải pháp công nghệ Xanh, “chúng ta có thể cùng nhau đổi mới, hướng tới một tương lai Xanh hơn, tươi sáng hơn và bền vững hơn” như thông điệp mà Tổng Thư ký WIPO Francis Gurry đã nhấn mạnh nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2020.
Theo THANH PHƯƠNG (Báo Tin Tức)