Vùng đất Kim Sơn hình thành từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển đầy lau sậy và sú vẹt dưới sự tổ chức và điều hành của Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ năm Kỷ Tỵ, 1829. Đây là vùng đất mở, hằng năm tốc độ bồi tụ tiến ra biển từ 80-100m. Chính vì thế Kim Sơn gắn với lịch sử của những cuộc chinh phục đất hoang bồi, quai đê lấn biển. Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này nhiều loài cây như sú, vẹt, trong đó cây cói đã mang lại rất nhiều sản phẩm độc đáo từ bàn tay khéo léo của người dân ở đây.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, làng nghề chiếu cói Kim Sơn ngày càng thể hiện được vị thế của mình và tồn tại và phát triển cho tới ngày nay. Các sản phẩm nơi đây vô cùng đa dạng về mẫu mã và màu sắc hoa văn vô cùng bắt mắt.
Nghề trồng cói, chế biến cói ngày càng nổi tiếng và sản phẩm được người dân tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng.
Để có được một sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kỹ thuật trồng và sản xuất cói của Kim Sơn cũng khá đặc biệt. Đó là cả một quy trình công phu, tỉ mỉ và chính xác ngay từ lúc trồng cói, thu hoạch cói, chọn cói, chẻ cói, phơi cói, nhuộm cói… cho đến khâu cuối cùng là đan và hoàn thiện sản phẩm. Điển hình như kỹ thuật sử dụng keo polyascera phun phủ lên bề mặt sản phẩm cói, vừa giúp định hình ổn định kiểu dáng công nghiệp, vừa nâng cao khả năng chống mốc, ẩm cho sản phẩm, nhất là trong quá trình xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ đó mà sản phẩm cói mỹ nghệ của Kim Sơn luôn đảm bảo chất lượng khi tới tay người tiêu dùng, góp phần rất lớn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.