Nghệ sĩ Josephine Baker biểu diễn tại Cung điện Versailles, Pháp, ngày 27-11-1973. Ảnh tư liệu: AFP-TTXVN
Bà Baker là nghệ sĩ nổi tiếng đã tham gia phong trào kháng chiến của Pháp trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai và sau đó luôn đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc.
Jennifer Guesdon, một thành viên của nhóm vận động tôn vinh cố nghệ sĩ Baker cho biết nhóm này đã diện kiến Tổng thống Emmanuel Macron vào ngày 21-7, nêu đề xuất và nhận được sự chấp thuận của Tổng thống. Sau cuộc họp của Chính phủ Pháp cũng trong tháng 7, đề xuất này đã chính thức được thông qua.
Gia đình bà Baker đã kiến nghị tôn vinh bà từ năm 2013 và thu thập được khoảng 38.000 chữ ký ủng hộ. Bản kiến nghị nêu rõ: “Bà là một nghệ sĩ, ngôi sao da màu quốc tế đầu tiên, một nàng thơ của trường phái lập thể, một chiến sĩ kiên trung của quân đội Pháp trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai...”.
Bà Josephine Baker sinh năm 1906 tại Missouri (Mỹ). Sau khi qua đời vào năm 1975, bà được chôn cất ở Monaco.
Bà xuất thân trong một gia đình nghèo khó và đã kết hôn tới 2 lần khi mới 15 tuổi. Sau khi xa nhà để tham gia một đoàn tạp kỹ, bà nhanh chóng lọt vào mắt xanh của một nhà sản xuất và được gửi đến Paris năm 19 tuổi. Khi vừa tròn 20 tuổi, bà đã tham gia biểu diễn trong chương trình tạp kỹ “Revue Negre” nổi tiếng thế giới ở Paris, Madrid và Berlin. Nữ vũ công lừng danh này trở thành nghệ sĩ được trả lương cao nhất của sân khấu âm nhạc Paris ở độ tuổi 20.
Chiến tranh Thế giới thứ Hai bùng nổ năm 1939 và việc Đức Quốc xã chiếm đóng Pháp về cơ bản đã thay đổi cuộc đời của bà Baker mãi mãi. Lúc đầu, bà làm việc cho Hội Chữ thập đỏ và sau đó hoạt động tình báo cho phong trào kháng chiến của Pháp. Trong hành lý du lịch và lưu diễn của mình, bà đã mang theo thư từ và các tài liệu bí mật qua biên giới. Khi chiến tranh kết thúc, Tướng Charles De Gaulle - người sau này trở thành Tổng thống Pháp - đã trao tặng bà Josephine Baker Huân chương Bắc đẩu Bội tinh.
Điện Patheon là công trình lịch sử xây dựng vào thế kỷ thứ 18 nằm trên đồi Sainte-Geneviève ở thủ đô Paris. Ban đầu, Điện được dựng lên với mục đích bảo quản thánh tích của thánh Geneviève. Nhưng về sau, Patheon trở thành nơi chôn cất thi hài và tôn vinh những vĩ nhân của nước Pháp.
Theo HOÀNG CHÂU (Báo Tin Tức)