Nhạc sĩ Văn Cao - bậc tài danh hiếm thấy

11/09/2023 - 18:42

 - Là một nghệ sĩ đa tài, Văn Cao thành công trên lĩnh vực âm nhạc, thơ ca, hội họa, là tác giả của bài “Tiến quân ca” - ca khúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là Quốc ca của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Nghệ sĩ tài hoa

Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 trong gia đình viên chức ở TP. Hải Phòng. Ông là nghệ sĩ đa tài cả 3 lĩnh vực (âm nhạc, thơ ca, hội họa), là một chiến sĩ biệt động thành gan dạ, mưu trí. Tuy sáng tác không quá nhiều, nhưng những ca khúc của ông là những viên ngọc quý, làm rung động lòng người, vượt không gian, thời gian, nhiều sản phẩm trở thành một phần trong tài sản tinh thần của dân tộc.

Đến với nghệ thuật ở tuổi thiếu niên, khởi đầu là những vở kịch và truyện ngắn, sau đó ông làm thơ, viết nhạc rồi hội họa, ở lĩnh vực nào cũng mang dấu ấn khai phá. Bên cạnh nhạc phẩm trữ tình, Văn Cao sáng tác Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc, Chiến sĩ Việt Nam, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Tiến về Hà Nội… là những hành khúc hùng tráng, động viên tinh thần yêu nước đứng lên đuổi giặc. Năm 1947, sau chiến thắng Sông Lô, ông viết Trường ca Sông Lô, được các nhạc sĩ đương thời đánh giá không thua bất cứ một tuyệt phẩm nào của nhạc cổ điển phương Tây. Năm 1976, bài hát Mùa xuân đầu tiên được viết khi Nam - Bắc một nhà, vừa nhẹ nhàng, sâu lắng, đúng với lòng mong ước của Bác Hồ: “Bắc - Nam sum họp Xuân nào vui hơn!”. 

Sau khi được ông Vũ Quý giác ngộ cách mạng, Văn Cao bí mật tham gia chiến sĩ biệt động thành. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc cho đội quân Việt Minh. Năm 1944, trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền, ông viết “Tiến quân ca”. Nghe xong, ông Vũ Quý rất hài lòng, đăng đầu tiên trên Báo Độc Lập, tháng 11/1944. Ngày 19/8/1945, Văn Cao điều khiển dàn đồng ca của Đội Thiếu niên tiền phong, hát “Tiến quân ca” tại quảng trường Nhà hát Lớn trong cuộc mít-tinh giành chính quyền của Việt Minh tổ chức. Ngày 2/9/1945, “Tiến quân ca” vang lên trong ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Năm 1946, Quốc hội khóa I quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca.

Những điều ít biết về Văn Cao

Thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong, Văn Cao được đánh giá là một trong 3 nhạc sĩ có sức ảnh hưởng lớn của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, nhưng ông còn khá nhiều bí mật.

Cuộc đời 72 năm, ông gắn bó thế kỷ XX nhiều biến động, để lại cho hậu thế nhiều câu hỏi không dễ trả lời. Trước hết, trong 2 lần xuất hiện tác phẩm hội họa của ông, nhất là “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử” gây chấn động dư luận. Vóc dáng ông gọn nhẹ nhưng nhờ học võ thuật năm 9 - 10 tuổi, Văn Cao nhiều lần lên võ đài thi đấu, biểu diễn võ thuật, có thời gian huấn luyện cho đồng đội về võ thuật, sử dụng vũ khí và kỹ năng hóa trang... Làm Đội trưởng Đội danh dự Việt Minh, ông được phân công “vô hiệu hóa” các đối tượng chỉ điểm, phản quốc mà qua 2 vụ trừ khử  Võ Văn Cẩm (ở Hà Nội) và Đỗ Đức Phin (ở Hải Phòng) đã đánh giá ông là người “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. Có thời gian dài “treo bút”, đến nhạc phẩm “Mùa xuân đầu tiên” của ông ra đời, sau in ở Liên Xô, được trả nhuận bút 100 rúp, ông ủy quyền cho con gái lãnh hộ. Các sản phẩm thơ ca, truyện ngắn, tản văn, hội họa, nhạc phẩm, trình bày bìa sách... của ông đến nay vẫn chưa tìm được đầy đủ, bị thất lạc khá nhiều...

Ngày 28/8/2023, tại Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm ngày sinh (1923 - 2023) nhạc sĩ Văn Cao, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán (người hàng xóm, thực hiện hơn 150 bức ảnh về Văn Cao) kể kỷ niệm về nhạc sĩ với đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo ông Toán, có lần bà Nghiêm Thúy Băng (vợ nhạc sĩ Văn Cao) nhờ ông cùng đến nhà đại tướng Võ Nguyên Giáp để chụp ảnh cho Văn Cao và đại tướng, vì khi đó, nhạc sĩ tài hoa được mời đến nhà để vẽ chân dung cho tướng Giáp (Văn Cao từng vẽ thành công chân dung giáo sư Đặng Thai Mai và nhiều nhân vật nổi tiếng). Văn Cao vẽ chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp đến 6 lần nhưng chưa ưng, đến khi ông đề nghị vẽ lại thì đại tướng bận việc nên ý định chưa thực hiện được.

Theo nhạc sĩ Văn Thao (con nhạc sĩ Văn Cao), cha ông luôn đi tìm cái đẹp, cái mới để sáng tác, ông là người của nghệ thuật và chiến sĩ cách mạng. Trong giới văn nghệ sĩ, ông nổi tiếng là người “sành rượu, sành ẩm thực”, nâng 2 thú này trở thành một nghệ thuật của riêng ông.

Nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923, kết hôn với bà Nghiêm Thúy Băng năm 1947, có 3 người con trai và 2 người con gái, trong đó nhạc sĩ Văn Thao nối nghiệp ông. Văn Cao mất ngày 10/7/1995, sau thời gian điều trị bệnh. Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt I (năm 1996)... Tên ông được đặt cho nhiều con đường trên cả nước.

N.R