Thực tế triển khai thí điểm tại nhiều địa phương trên cả nước bước đầu cũng cho thấy, lực lượng này đã gắn bó với với nhân dân, được nhân dân giúp đỡ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, tạo những chuyển biến rõ nét tại các vùng quê…
Thiếu tá Trương Tuấn Quang, Trưởng Công an xã và Thượng úy Dương Quang Thái, Phó trưởng Công an xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai trao đổi với đồng bào dân tộc về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Không để hình thành điểm nóng phức tạp
Những năm trước, tệ nạn xã hội, tín dụng đen, tình trạng đánh bạc trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là tranh chấp đất đai, các mâu thuẫn nhỏ không được giải quyết triệt để đã dẫn đến các vụ việc phức tạp, gây nhức nhối tại xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Nhưng từ giữa năm 2019, khi cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy ở huyện về đảm nhiệm các chức danh Công an xã, tình hình an ninh trật tự đã chuyển biến rõ nét ở toàn bộ 14 thôn của địa phương có hơn 9.000 nhân khẩu và phát triển khá mạnh nghề buôn bán, sản xuất quần áo, chăn, ga, gối, đệm này.
Trung tá Đặng Ngọc Tuấn, Trưởng Công an xã Mỹ Thắng (Nam Định) cho biết: Đơn vị luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận những phản ánh của nhân dân địa phương, từ đó có biện pháp giải quyết dứt điểm ngay từ lúc mới phát sinh. Thay vì e dè, nể nang trong việc giải quyết các mâu thuẫn tích tụ trong nhân dân như trước, giờ đây những mâu thuẫn, bất đồng luôn được tháo gỡ, giải quyết kịp thời, đảm bảo không để các vụ việc trở nên phức tạp. Cũng vì thế, số vụ phạm pháp hình sự giảm rõ rệt nhờ làm tốt hơn công tác phòng ngừa, đấu tranh.
Đánh giá về việc đưa Công an chính quy xuống cơ sở ở Nam Định, Đại tá Nguyễn Văn Trầm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nam Định cho hay, qua 12 đợt điều động, hiện nay Công an tỉnh Nam Định đã hoàn thành điều động, bố trí Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 100% xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư 09 của Bộ Công an. Trưởng Công an xã, thị trấn đều có trình độ Đại học và có cấp hàm từ Thượng úy trở lên; Phó Trưởng Công an xã có trình độ từ Trung cấp Công an và cấp hàm từ Trung úy trở lên. Toàn bộ Công an các xã, thị trấn trong tỉnh sử dụng trụ sở tại UBND xã, thị trấn; được Bộ Công an trang bị đủ 20 danh mục tài sản, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ yêu cầu công tác...
Theo Đại tá Nguyễn Văn Trầm, việc đưa Công an chính quy xuống cơ sở cũng cho thấy, sau khi lực lượng này đảm nhiệm các chức danh Công an xã đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, trực tiếp giải quyết các vụ việc ở địa bàn, cơ sở; đảm bảo toàn bộ các vụ việc xảy ra trên địa bàn được tiếp nhận, xử lý; không để tồn đọng, kéo dài; không hình thành các điểm nóng phức tạp ở nông thôn; góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở…
Giữ bình yên tại nông thôn
Tại Hà Nội, thực hiện Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, qua 2 đợt sắp xếp (tháng 10/2016 bắt đầu thí điểm và từ tháng 4/2019 thực hiện giai đoạn 2 đồng loạt trên địa bàn Hà Nội), đến nay Công an thành phố Hà Nội đã triển khai 1.028 cán bộ, chiến sĩ về 146 xã, 5 thị trấn thuộc 17 huyện, thị xã. Nắm bắt tình hình từ cơ sở cho thấy, hiệu quả của công tác này khá rõ nét, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực nông thôn rộng lớn của Thủ đô.
Nói về việc Công an chính quy xuống cơ sở đảm nhiệm các chức danh Công an xã, ông Phạm Anh Tú, Bí thư Đảng ủy xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, cho biết chỉ trong hơn một tháng được bố trí xuống Tân Triều, lực lượng Công an chính quy luôn tỏ rõ bản lĩnh, nghiệp vụ vững vàng, chủ động điều tra cơ bản, nắm chắc địa bàn, góp phần giữ vững bình yên của vùng đất giáp ranh giữa Tân Triều với quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, vốn luôn phức tạp về an ninh, trật tự.
“Ghi nhận từ thời điểm được bố trí Công an chính quy đến nay, địa bàn xã không để xảy ra những vụ việc nổi cộm, người dân trong xã yên tâm với tình hình an ninh, trật tự”, Bí thư Đảng ủy xã Tân Triều Phạm Anh Tú nhận xét.
Với những chuyển biến tích cực về an ninh, trật tự tại các địa bàn nông thôn đã được bố trí công an chính quy, theo Đại tá Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an thành phố Hà Nội), trong giai đoạn 3 của đề án, Công an thành phố cũng đã hoàn thiện quy trình bố trí công an chính quy tại 155 xã còn lại trên địa bàn thành phố vào quý I năm 2020.
Đại tá Nguyễn Hữu Thọ cho biết, việc bố trí lực lượng Công an chính quy về xã hoàn thành trước khi diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, giúp cho các xã, thị trấn hoàn thiện sớm quy trình chọn nhân sự cấp ủy khóa mới, bảo đảm tiến độ tổ chức đại hội cấp cơ sở. Giai đoạn 3 của đề án, Công an thành phố đã tiến hành lựa chọn cán bộ đang giữ chức vụ lãnh đạo đội, trong diện quy hoạch; các cán bộ, chiến sĩ có năng lực, trình độ để bố trí chức danh Trưởng Công an xã và công an viên…
Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố cũng đã đề xuất Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an xem xét cán bộ nào được bố trí đảm nhiệm chức danh Công an xã tạo được chuyển biến tích cực về an ninh, trật tự tại địa bàn, được cấp ủy chính quyền và nhân dân ghi nhận sẽ xem xét bổ nhiệm chức danh lãnh đạo cấp phòng, quận, huyện, thị xã. Cùng với đó, Công an thành phố Hà Nội sẽ cùng với các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ Công an xã để lực lượng này yên tâm làm nhiệm vụ, có những đóng góp tích cực hơn nữa trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn Thủ đô.
Củng cố niềm tin của nhân dân
Công an chính quy và công an viên của xã Xã Ea Lê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cấp chứng minh thư và hộ khẩu cho người dân. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đánh giá về việc đưa Công an chính quy xuống cơ sở, thông tin từ Bộ Công an cũng cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, quy định của pháp luật về xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, đến nay, Công an 63 tỉnh, thành phố đã điều động, bố trí hơn 28 nghìn cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã tại 100% số xã trong toàn quốc.
Dù mới chỉ trong thời gian ngắn, nhưng hoạt động của lực lượng Công an xã chính quy đã góp phần nâng cao ý thức phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm của nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, kế thừa có phát huy mạnh mẽ công tác vận động quần chúng nhân dân với những hành động cụ thể như “Làm cùng nhân dân, ở cùng nhân dân, sản xuất cùng nhân dân…” đã tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền cơ sở.
Chỉ tính từ tháng 3/2020 đến nay, Công an xã chính quy đã giải quyết hàng chục nghìn vụ việc liên quan an ninh trật tự, đã lập hồ sơ xử lý 3.083 vụ, bắt giữ, xử lý 8.468 đối tượng, góp phần làm rõ nhiều vụ phức tạp liên quan đến tội phạm giết người, ma túy, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…
Để tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, cần huy động tổng hợp các nguồn lực tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự, nhất là tại cơ sở; quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, hiện nay Bộ Công an đang khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trình cấp có thẩm quyền để sớm ban hành, nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, bảo đảm tính thống nhất trong việc tiếp tục xây dựng, củng cố về tổ chức cho các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Theo HẠNH QUỲNH (TTXVN)