Nhật Bản xem xét dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì COVID-19

28/09/2021 - 07:35

Nhật Bản dự kiến sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 ở tất cả 19 khu vực trên cả nước vào cuối tháng 9, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại nước này đang được cải thiện.

Hiện Nhật Bản đang duy trì tình trạng khẩn cấp đối với 19 địa phương, trong đó có thủ đô Tokyo. (Ảnh: Reuters)

Đài truyền hình NHK đưa tin, ngày 27/9, Thủ tướng Suga Yoshihide đã thảo luận về các biện pháp nới lỏng phòng dịch với các bộ trưởng và sẽ tiếp tục lắng nghe thêm ý kiến của các chuyên gia vào ngày 28/9.

"Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc này trên cơ sở góp ý và thảo luận với hội đồng chuyên gia của chính phủ vào ngày 28/9", ông Yoshihide nói.

Nếu được thông qua, Nhật Bản sẽ lần đầu tiên dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sau gần sáu tháng. Các biện pháp thắt chặt hiện tại yêu cầu các nhà hàng đóng cửa sớm và hạn chế phục vụ rượu, trong khi người dân được yêu cầu hạn chế đi lại không cần thiết, nhất là di chuyển liên tỉnh.

Theo truyền thông Nhật Bản, ngay cả khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, nhà chức trách vẫn đang cân nhắc việc giữ nguyên một số hạn chế. Chẳng hạn, Tokyo đang xem xét giới hạn giờ mở cửa của các nhà hàng và chỉ cho phép phục vụ rượu tại địa điểm đã được phê duyệt trước.

Nhật Bản đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm trong mùa hè này, với mức cao kỷ lục 25 nghìn ca nhiễm mới hằng ngày đã được ghi nhận khi biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh xuất hiện.

Tuy nhiên, con số này đã giảm rõ rệt trong những tuần gần đây. Cả nước chỉ ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới vào chủ nhật, trong khi hơn 57% dân số Nhật Bản hiện đã được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ.

Hàn Quốc chuẩn bị tiêm vaccine cho thanh, thiếu niên từ 12-17 tuổi

Cùng ngày, giới chức Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi vào tháng tới, cũng như tiến hành tiêm mũi thứ ba cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên khi đất nước bắt đầu chuyển sang giai đoạn bình thường vào cuối tháng 10.

Theo đó, từ tháng sau, Hàn Quốc sẽ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho khoảng 2,77 triệu thanh, thiếu niên từ 12-17 tuổi. Nhóm đối tượng này được tiêm bằng vaccine của hãng Pfizer (Mỹ), thời gian giữa hai mũi tiêm là ba tuần.

Theo Ủy ban Cố vấn tiêm chủng của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, lợi ích khi tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ em lớn hơn rủi ro mà nó có thể mang lại.

Ngoài ra, cơ quan phòng dịch cũng sẽ xây dựng phương án cụ thể tiêm mũi bổ sung cho nhóm có rủi ro cao từ tháng sau.

Hàn Quốc đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ tư kể từ đầu tháng 7. Vào cuối tuần qua, lần đầu tiên, số ca nhiễm hằng ngày tại nước này đã tăng lên đến 3.000 ca mắc mới.

Australia dần nới lỏng lệnh phong tỏa ở Sydney

Nhà chức trách Australia, ngày 27/9,  công bố kế hoạch dần mở cửa trở lại tại Sydney, với một hệ thống kiểm soát hai lớp dự kiến sẽ mang lại cho các công dân đã tiêm chủng nhiều quyền tự do hơn so với những người chưa tiêm ngừa Covid-19.

Các hạn chế đi lại trên khắp New South Wales, bang đông dân nhất của đất nước sẽ được dỡ bỏ dần từ ngày 11/10 đến ngày 1/12, khi tỷ lệ tiêm chủng lần lượt chạm các mốc 70%, 80% và 90% dân số.

Những người không được tiêm chủng đầy đủ sẽ tiếp tục bị cấm tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời, cũng như các dịch vụ ăn uống, mua sắm và các hoạt động khác.

New Zealand cho phép khách nhập cảnh tự cách ly tại nhà

Ngày 27/9, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, nước này sẽ bắt đầu cho phép một số lượng hạn chế khách nhập cảnh đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 tự cách ly tại nhà, thay vì tại các cơ sở cách ly do nhà nước quản lý.

Đây là một bước đi tiếp theo trong cách tiếp cận theo từng giai đoạn để mở cửa trở lại biên giới của Chính phủ New Zealand.

Theo đó, kế hoạch thử nghiệm này sẽ bắt đầu vào tháng tới, mở cửa cho 150 khách nhập cảnh, với điều kiện họ phải là công dân New Zealand hoặc có quyền cư trú tại nước này và đã được tiêm chủng đầy đủ.

Theo TRUNG HƯNG (Nhân Dân)