Nhiều điểm mới của Luật Tổ chức tòa án nhân dân

14/07/2024 - 07:31

 - Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Tổ chức tòa án nhân dân (TAND) với 9 chương, 152 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, với nhiều điểm mới.

Thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt

Khoản 1, Điều 4, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định, tổ chức của TAND, gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, có các TAND sơ thẩm chuyên biệt, gồm: Hành chính, Sở hữu trí tuệ và Phá sản. Tòa án Quân sự gồm Tòa án Quân sự Trung ương, Tòa án Quân sự Quân khu và tương đương, Tòa án Quân sự khu vực.

TAND tối cao chủ trì soạn thảo đã đề xuất TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, nhưng đề nghị này không được Quốc hội chấp thuận. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: “Do còn có ý kiến khác nhau về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo xây dựng 2 phương án và xin ý kiến các đại biểu Quốc hội bằng lá phiếu. Theo đó, có 170/487 đại biểu Quốc hội tán thành phương án 1 giữ nguyên quy định luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện. Với phương án 2 (TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm) chỉ có 94/487 đại biểu Quốc hội tán thành. Điều này đồng nghĩa với việc không có phương án nào đạt quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Qua đó, Quốc hội đã thông qua chủ trương thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt".

Thẩm phán không phải giải trình quan điểm xét xử

Điều 11, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định, thẩm phán, hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của thẩm phán, hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Theo điều luật, tòa án, thẩm phán, hội thẩm và chức danh tư pháp khác của tòa án “không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc đó”. Tại thảo luận, ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị xem lại quy định này, vì có thể “gây khó khăn cho hoạt động của tòa án”. Tuy nhiên, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vụ án, vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết, chưa mở phiên tòa, phiên họp; chứng cứ, tài liệu chưa được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, phiên họp. Do đó, thẩm phán, hội thẩm không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm giải quyết vụ án, vụ việc trước khi có bản án, quyết định của tòa án.

Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu

Theo luật hiện hành, các ngạch thẩm phán gồm thẩm phán TAND tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp. Tại Điều 100 của luật quy định, thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác khác. Với Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định, nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại, hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

Điều 90 của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định, thẩm phán gồm 2 ngạch thẩm phán TAND tối cao và thẩm phán TAND. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về bậc thẩm phán, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc thẩm phán TAND theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao. Về bậc thẩm phán “mới so với luật hiện hành”, khi quy định bậc thẩm phán, cơ quan này sẽ xem xét cụ thể việc thi, xét hoặc hình thức phù hợp để nâng bậc thẩm phán phù hợp với hệ thống pháp luật và đặc thù công tác của tòa án.

Hội thẩm nhân dân phải
“từ đủ 28 tuổi đến 70 tuổi”

Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) dành Chương VI, với 13 điều quy định về chế định hội thẩm nhân dân. Điều 122 bổ sung nhiều tiêu chuẩn với người được bầu, cử làm hội thẩm, trong đó phải “từ đủ 28 tuổi đến 70 tuổi”. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định trên bảo đảm cho người được bầu làm hội thẩm có thời gian hợp lý để hoàn thành các tiêu chuẩn, như: có kiến thức pháp luật, hiểu biết xã hội, thời gian rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu trong cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư… Đồng thời, tương đồng với quy định độ tuổi bổ nhiệm thẩm phán lần đầu từ đủ 28 tuổi. Quy định độ tuổi tối đa bầu hội thẩm đến 70 tuổi (làm việc đến 75 tuổi) là phù hợp về sức khỏe và yêu cầu của công tác xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc của tòa án. Điều 125 quy định, hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử theo phân công của chánh án tòa án nơi bầu làm hội thẩm. 

Bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của tòa án

Đây là điểm mới của luật vừa được Quốc hội thông qua, bởi Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định, tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự, nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm. Về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án quy định tại Điều 15. Theo đó, tòa án hướng dẫn, yêu cầu, hỗ trợ, tiếp nhận tài liệu, chứng cứ; kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tòa án còn hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết, nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị tòa án hỗ trợ… Quá trình thảo luận, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội không tán thành quy định trên, và đề nghị trong một số trường hợp cần thiết, quy định tòa án trực tiếp thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá quy định nói trên là “phù hợp và đã thể hiện được ý kiến của đại biểu Quốc hội”.

N.R