Nhiều nước Trung Đông, Bắc Phi triển khai biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19

09/03/2020 - 14:02

Sáng 9-3, hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia dẫn nguồn tin thuộc Bộ Nội vụ nước này cho biết đã đình chỉ hoạt động đi lại của công dân tới 9 nước trong bối cảnh quan ngại về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Chú thích ảnh

Các tín đồ hành hương đeo khẩu trang tại Thánh địa Mecca, Saudi Arabia. Ảnh tư liệu: AFP-TTXVN

Saudi Arabia cũng đồng thời ngừng cấp phép nhập cảnh cho công dân của hoặc bất cứ ai từng lưu lại 9 nước này trong 14 ngày qua. Danh sách 9 nước gồm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Bahrain, Liban, Syria, Hàn Quốc, Ai Cập, Italy và Iraq. Nguồn tin cũng cho hay mọi chuyến bay và chuyến tàu hàng hải giữa Saudi Arabia và những nước này cũng bị đình chỉ, không bao gồm những chuyến sơ tán và giao thương.

Trước đó cùng ngày, Saudi Arabia thông báo sẽ đình chỉ mọi hoạt động giáo dục và liên quan đến kinh Koran tại các thánh đường Hồi giáo từ ngày 9-3 để hỗ trợ phòng ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan.

Trong một động thái tương tự, Jordan ngày 8-3 đã quyết định tạm thời cấm các sinh viên nước ngoài du học ở nước này cũng như người lao động nước ngoài tại Jordan đi du lịch nước ngoài. 

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Jordan Saad Jaber cho biết lệnh cấm trên sẽ có hiệu lực trong tuần này. Bên cạnh đó, Jordan cũng quyết định hoãn các chuyến tham quan học tập ở nước ngoài của các trường học cũng như các chuyến công tác nước ngoài của viên chức nhà nước. Chính quyền Jordan sẽ tăng cường giám sát tại các cửa khẩu trên bộ và trên biển.

Trong khi đó, để giảm nguy cơ có thêm người nhiễm dịch nhập cảnh vào đất nước, Bộ Y tế Algeria khuyến cáo các công dân trở về từ các quốc gia thuộc vùng dịch cần hoãn các chuyến đi, trừ khi thật sự cần thiết. Trong trường hợp này, họ cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tuân theo sự kiểm tra của nhà chức trách sở tại. Theo phóng viên TTXVN tại Algers, Bộ Y tế Algeria đưa ra khuyến cáo trên sau khi số ca nhiễm bệnh COVID-19 tại nước này tính đến ngày 8-3 đã lên tới 20 ca.  

Trước đó, ngày 6-3, Bộ Y tế Algeria đã thông báo về việc sở hữu một công nghệ mới, cho phép phát hiện virus SARS-CoV-2 trong thời gian rất ngắn. Kỹ thuật này dựa trên mẫu thử máu, cho phép nhanh chóng phát hiện và kết luận người được thử bị nhiễm bệnh. Đối với cách thức cũ, dựa trên lấy mẫu gene (dịch tiết mũi họng), các chuyên gia chỉ có thể đưa ra kết luận sau 24 giờ. Bộ trưởng Y tế Abderrahmane Benbouzid khẳng định, với việc áp dụng công nghệ mới này, Algeria có đủ phương tiện và biện pháp đối phó hiệu quả với virus SARS-CoV-2, phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). 

Chú thích ảnh

Hành khách tại sân bay quốc tế Ben Gurion, Israel, đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID, ngày 27-2-2020. Ảnh: AFP-TTXVN

Còn tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu thông báo nước này sẽ thành lập một quỹ hỗ trợ trị giá khoảng 1,15 tỉ USD cho các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục gia tăng, quần đảo Marshall đã cấm mọi hành khách đến nước này bằng đường hàng không trong vòng 2 tuần. 

Theo Bộ Y tế Marshalls, biện pháp khẩn cấp này có hiệu lực vào tối 8-3, theo đó "đình chỉ ngay lập tức các du khách đến nước này bằng đường hàng không" cho đến ngày 22-3. Bên cạnh đó, các hành khách đến bằng đường hàng không và đường biển từ 10 nước, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp và Tây Ban Nha cũng bị cấm. Chỉ có một số trường hợp ngoại lệ liên quan tới hoạt động vận chuyển lương thực và tiếp tế. 

Bộ trưởng Y tế Marshall Jack Niedenthal cho biết lệnh cấm này được áp đặt nhằm giúp cho quốc đảo này có thêm thời gian thiết lập các cơ sở cách ly và nâng cao trình độ ứng phó của đội ngũ nhân viên y tế trong trường hợp bùng phát dịch. Hồi tháng trước, Quần đảo Marshalls cũng ban hành lệnh cấm ra nước ngoài đối với quan chức chính phủ, khuyến cáo người dân hoãn các chuyến du lịch nước ngoài cho đến khi có thông báo tiếp theo. Quần đảo Marshalls cũng yêu cầu các du thuyền và thuyền buồm không được cập cảng nước này. 

Cho đến nay, các quốc đảo nhỏ trên Thái Bình Dương chưa ghi nhận ca nhiễm nào, song tình hình dịch bệnh trên thế giới đang gây lo ngại cho nhiều quốc đảo như Marshalls, Fiji và Palau.

Theo Báo Tin Tức