Những chiến công thầm lặng

27/07/2022 - 08:00

 - Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết dân tộc từ bao đời nay. Truyền thống quý báu đó đã hun đúc nên tinh thần chiến đấu kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, gian lao để lao động sản xuất và đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng, đã xuất hiện nhiều anh hùng dân tộc, nhiều tấm gương hy sinh thân mình vì tình đồng bào, vì nghĩa non sông ra sức chống giặc ngoại xâm.

Sự hy sinh của đông đảo quần chúng, của chiến sĩ, anh hùng kế tiếp nhau trong lịch sử đã góp phần dựng xây nên giang sơn, gấm vóc ngày nay, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do".

Trong cuộc trường chinh 30 năm giải phóng dân tộc, hàng triệu người con Việt Nam ưu tú đã mãi mãi nằm xuống trong lòng đất mẹ thân yêu. Hơn 47 năm đất nước nở hoa độc lập, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng những nỗi đau vẫn còn đó, nỗi nhớ vẫn chưa hề nguôi ngoai, các mẹ, các chị, các anh chưa về, lòng đất mẹ vẫn mãi ngóng trông…

Trải qua cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, đã có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, còn nằm lại trên các chiến trường nơi rừng sâu cô quạnh. Đưa các anh về không những là trách nhiệm, mà còn là nghĩa cử thiêng liêng của thế hệ cháu con hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước đứng lên.

Đảng, nhà nước, quân đội ta xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thể hiện sâu sắc đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc Việt Nam đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ.

Ngày 23/11/2000, Đội K93 được thành lập để cùng với cả nước thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả đó, ngày đêm thầm lặng băng rừng, lội suối để mong một ngày đưa các anh về lại quê hương, về với đồng bào.

Quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Ảnh: Nguyễn Nhậm)

Thượng tá Lê Đắc Thoa, Chính trị viên Đội K93 cho biết: Do chiến tranh ác liệt kéo dài trên địa bàn rộng, hài cốt các liệt sĩ phân tán và các khu vực có mộ chí thường ở trong rừng sâu, núi cao hiểm trở, thời gian đã lâu, địa hình địa vật thay đổi, đường cơ động xa, khó khăn, có nơi phải lội rừng hành quân bộ từ 3 đến 5km, nên việc tìm kiếm, quy tập đòi hỏi cường độ lao động cao và hao tốn rất nhiều thời gian. Nhưng với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm và với tình cảm thiêng liêng, lòng tri ân vô bờ bến của những người đồng chí của thế hệ cháu con, các cán bộ, chiến sĩ đội K93 đã vượt mọi khó khăn, trắc trở, nỗ lực tìm kiếm, quy tập hài cốt của các liệt sĩ, vẫn luôn lạc quan, tràn đầy niềm tin, hy vọng đưa hài cốt các anh về lại với vùng đất mẹ yêu thương.

 Trong thời gian qua, đội đã tổ chức trên 20 đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện, chuyên gia hy sinh ở Campuchia và liệt sĩ trong nước, đã tổ chức tìm kiếm trên địa bàn của 1.960 ấp, thuộc 157 xã, phường của các tỉnh Tà Keo, Kompong Speu (Vương quốc Campuchia) và các huyện trong tỉnh, đào tìm trên 46.170 vị trí hố với hơn 356.110 mét khối đất đá…

Song song đó, cùng với nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, Đội K93 đã thực hiện tốt công tác vận động quần chúng trong lực lượng nhân dân nước bạn, phối hợp cùng lực lượng và chính quyền hai tỉnh Tà Keo, KomPong Speu tuyên truyền, giải thích trong nhân dân phát hiện và cung cấp thông tin các khu vực có mộ chí thông qua việc tổ chức khám, chữa bệnh, thăm hỏi, tặng quà gia đình nghèo với số tiền hàng chục triệu đồng.

Hàng năm, đội đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức khám, chữa bệnh cho trên 4.950 lượt người. Những việc làm nhân văn, ý nghĩa đó đã góp phần gắn kết thêm tình hữu nghị giữa lực lượng vũ trang, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới.

Công tác chuẩn bị cất bốc hài cốt liệt sĩ (Ảnh: Nguyễn Nhậm)

Trải qua 22 năm thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đội K93 đã luôn quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, xác định tốt tư tưởng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chủ động khai thác, kết nối, xử lý các nguồn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia khảo sát, tổ chức tìm kiếm hài cốt trên các địa bàn ở nhiều loại địa hình khác nhau.

Đến nay, đã tìm kiếm, quy tập và tiếp nhận trên 3.200 hài cốt liệt sĩ. Tất cả hài cốt liệt sĩ đã được tổ chức an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ, hoặc bàn giao cho gia đình, đều đảm bảo chu đáo, chặt chẽ, trang nghiêm, thể hiện sự tôn kính, tri ân đối với các Anh hùng liệt sĩ, đồng thời tạo được sự lan tỏa, tuyên truyền sâu động đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ về truyền thống hào hùng, vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đội K93 đón nhận Huân chương Chiến công hạng 3

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, Đội K93 luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhiều tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ngày 11/03/2022, thiếu tướng Hồ Minh Phương - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 đã trao Huân chương Chiến công hạng 3 cho Đội K93 và 2 cá nhân (gồm đại tá Phạm Quang Trung, nguyên Đội trưởng Đội K93; Đại úy Huỳnh Văn Kịch, Tiểu Đội trưởng Trinh sát Đội K93) về thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2013-2020.

Dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ

Phần thưởng Huân chương Chiến công hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng là phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước, ghi nhận những công lao, đóng góp xứng đáng không chỉ riêng của Đội K93, mà còn có sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các sở, ban, ngành tỉnh, cấp ủy, chính quyền, Hội Cựu chiến binh các cấp trong và ngoài tỉnh.

Đây không chỉ là niềm tự hào của cán bộ chiến sĩ Đội K93, mà còn là niềm vinh dự, tự hào của lực lượng vũ trang tỉnh An Giang, đồng thời là động lực, tinh thần to lớn để lực lượng vũ trang tỉnh nhà nói chung và cán bộ, chiến sĩ Đội K93 nói riêng tiếp tục ra sức nỗ lực, phấn đấu, góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng, nhà nước đối với các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thành tích của lực lượng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã được các cấp, các ngành ghi nhận và khen thưởng. Tuy nhiên, đối với các thành viên trong đội thì phần thưởng cao quý nhất, niềm hạnh phúc nhất chính là mỗi khi các anh đã làm được những công việc vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa. Có thể nói, với tinh thần và trách nhiệm, sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, lực lượng tìm kiếm đã có những đóng góp thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa.

Lễ cải táng 68 hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang Dốc Bà Đắc, huyện Tịnh Biên (Ảnh: Nguyễn Nhậm)

Giai đoạn mùa khô năm 2021-2022, cán bộ, chiến sĩ đội K90 (QK9) và Đội K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) đã triển khai nhiều đợt tìm kiếm và đã cất bốc 68 hài cốt liệt sĩ ở Campuchia và trong nước. Theo đó, ngày 25/7/2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức lễ cải táng 68 hài cốt liệt sĩ (tất cả đều chưa xác định được thông tin) tại nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc, huyện Tịnh Biên.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: "Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam nói chung, tỉnh An Giang nói riêng sẽ mãi mãi biết ơn các chiến sĩ đã làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, bảo vệ biên cương, hy sinh thân mình vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đem lại thanh bình, yên vui cho dân tộc Việt Nam. Với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, Đảng bộ, quân, dân tỉnh An Giang xin hứa sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện ước mơ hoài bão của các liệt sĩ lúc sinh thời, cùng với cả nước xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh".

Thắp nến tri ân kỷ niệm Ngày Thương binh-  Liệt sĩ 27/7 (Ảnh: Nguyễn Nhậm)

Tháng bảy, tháng tri ân, đây là dịp để đồng bào cả nước bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương của mình cho Tổ quốc hòa bình, phát triển và phồn vinh như hôm nay. Và trong hàng triệu trái tim tri ân của người Việt Nam, có những con người ngày đêm vẫn vượt suối băng rừng tìm kiếm, quy tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ đang nằm lại đâu đó trong lòng đất.

Thắp hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc (Ảnh: Nguyễn Nhậm)

Nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ đội K93, với quyết tâm, trách nhiệm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hôm nay cũng là những chiến công thầm lặng, tô thắm thêm truyền thống, đạo lý cao đẹp của dân tộc ta, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức "Ngày Thương binh toàn quốc" ngày 27/7/1947, Bác viết: "Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe đọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh dũng ấy…".

NGUYỄN HẢO