Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 10/2022

27/09/2022 - 07:51

Trong tháng 10/2022, nhiều chính sách, pháp luật mới có hiệu lực như: Người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, thu hồi tên miền với hệ thống thông tin xâm phạm an ninh quốc gia; cắt giảm thủ tục hành chính liên quan kinh doanh lĩnh vực hàng hải…

Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh tư liệu: TTXVN

Không còn giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022 được đề cập tại Nghị quyết số 116/NQ-CP năm 2021. Cụ thể: "Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp". Trong đó, nhóm đối tượng được giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022) là người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021.

Người sử dụng lao động được giảm mức đóng nêu trên không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Như vậy, từ ngày 1/10/2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Khi đó, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử

Chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Đây là nội dung tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử, được Chính phủ ban hành ngày 5/9/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022.

Nghị định này quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; Thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; vân tay. (*)

Danh tính điện tử người nước ngoài bao gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; vân tay. (**)

Danh tính điện tử tổ chức gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có); ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.

Từ ngày 1/10, thu hồi tên miền với hệ thống thông tin xâm phạm an ninh quốc gia

Từ ngày 1/10, hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội sẽ bị đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền.

Đây là nội dung trong Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng. Trong đó, Nghị định quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền, Theo đó, 2 trường hợp áp dụng gồm: Có tài liệu chứng minh hoạt động của hệ thống thông tin là vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, an ninh mạng; Hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền có hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền.

Nghị định số 53/2022/NĐ-CP cũng quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, trường hợp áp dụng biện pháp xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật, gồm: Khi thông tin trên không gian mạng được cơ quan có thẩm quyền xác định là có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật.

Khi có căn cứ pháp luật xác định thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế - xã hội đến mức phải yêu cầu xóa bỏ thông tin.

Các thông tin trên không gian mạng khác có nội dung được quy định tại điểm c, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng theo quy định của pháp luật, gồm: Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Sáp nhập nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, bỏ Tổng cục Đường bộ

Ngày 24/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải. Theo cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải giảm từ 27 đầu mối xuống còn 23 đầu mối trực thuộc bộ, so với quy định trước đây. Theo đó, cơ cấu tổ chức Bộ Giao thông vận tải gồm: 1- Vụ Kế hoạch - Đầu tư; 2- Vụ Tài chính; 3- Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông; 4- Vụ Vận tải; 5- Vụ Pháp chế; 6- Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường; 7- Vụ Hợp tác quốc tế; 8- Vụ Tổ chức cán bộ; 9- Thanh tra; 10- Văn phòng; 11- Cục Đường bộ Việt Nam; 12- Cục Đường cao tốc Việt Nam; 13- Cục Hàng hải Việt Nam; 14- Cục Hàng không Việt Nam; 15- Cục Đường sắt Việt Nam; 16- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; 17- Cục Đăng kiểm Việt Nam; 18- Cục Quản lý đầu tư xây dựng; 19- Trung tâm Công nghệ thông tin; 20- Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải; 21- Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải; 22- Báo Giao thông; 23- Tạp chí Giao thông vận tải.

Các tổ chức quy định từ (1) đến (18) nêu trên là tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Còn các tổ chức quy định từ (19) đến (23) là đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.

Như vậy, so với hiện hành, hợp nhất Vụ Khoa học - Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường do hai vụ này tương đối gần gũi, gắn bó mật thiết với nhau nên cần tổ chức lại thành một đầu mối.

Cùng với đó, giải thể Vụ An toàn giao thông và chuyển nhiệm vụ an toàn giao thông liên quan đến công tác quản lý kết cấu hạ tầng về Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông; chuyển nhiệm vụ liên quan đến vận tải về Vụ Vận tải. Sáp nhập Vụ Đối tác công - tư (PPP) vào Vụ Kế hoạch - Đầu tư, vì hiện nay việc đầu tư chủ yếu có hai hình thức là đầu tư công và PPP nhưng hai hình thức này chỉ khác nhau một số nội dung ở bước chuẩn bị đầu tư.

Đối với việc “xóa” Tổng cục Đường bộ được dư luận quan tâm thời gian qua, theo ý kiến của Bộ Nội vụ, do thiếu một tiêu chí thành lập tổng cục bởi có phân cấp địa phương về quản lý, bảo trì hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã. Theo đó, Tổng cục sẽ tách thành hai cục là Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam, để tăng đầu mối cấp Cục. Như vậy, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện nay.

Với Cục Đường cao tốc Việt Nam, nhiệm vụ là tham mưu, quản lý đường cao tốc, đồng thời thực hiện khai thác một số tuyến đường bộ cao tốc được giao quản lý và có Trung tâm Kỹ thuật và điều hành giao thông đường bộ cao tốc… Cục sẽ theo dõi, bảo trì, khai thác và quản lý nhà nước trên các tuyến cao tốc hiện có, gồm 209 km do Nhà nước đầu tư; 245 km theo hình thức BOT và khoảng 773 km do địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư.

Cũng theo Nghị định số 56, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam có con dấu hình Quốc huy.

Cắt giảm thủ tục hành chính liên quan kinh doanh lĩnh vực hàng hải

Ngày 23/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.

Nghị định số 69/2022/NĐ-CP gồm 6 Điều, sửa đổi bổ sung 5 Nghị định quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải gồm: Nghị định số 70/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017, Nghị định số 37/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017, Nghị định số 05/2017/NĐ-CP ngày 16/1/2017.

Nghị định số 69/2022/NĐ-CP sửa đổi một số thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải quy định tại 5 Nghị định trên.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 69/2022/NĐ-CP là yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, quy định của thủ tục hành chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và giảm bớt chi phí tuân thủ khi thực hiện thủ tục hành chính.

Nghị định số 69/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ thi hành từ ngày 30/10/2022.

Từ 1/10/2022, bãi bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô

Ngày 10/8/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN về việc bãi bỏ các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Bộ Khoa học và Công nghệ bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật sau đây: - Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/3/2012 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 1/10/2022.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, giới chuyên môn cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp ô tô, bởi Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước.
Trong khi đó, các nước ASEAN lại tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký kết các Hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA… nên các chênh lệch về thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc và bộ linh kiện không còn nên cần bãi bỏ, sửa đổi các quy định liên quan để phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, việc bãi bỏ các quy định trên không chỉ đảm bảo sự thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà còn đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực và quốc tế.

Theo TTXVN