Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, miền Nam Dải Gaza ngày 23/12. Ảnh: THX/TTXVN
Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ International Rescue Committee (IRC) vào hồi đầu tháng này đã công bố danh sách theo dõi khẩn cấp cho năm 2024, ghi nhận 20 quốc gia có nguy cơ suy giảm an ninh cao nhất. Các quốc gia này chỉ chiếm khoảng 10% dân số thế giới nhưng chiếm 70% số người phải di dời, cùng với khoảng 86% nhu cầu hỗ trợ nhân đạo toàn cầu.
Vào tháng 10 vừa qua, Liên hợp quốc ước tính hơn 114 triệu người đã phải di dời do chiến tranh và xung đột trên toàn thế giới. Đến nay, con số này có thể tăng cao hơn. CEO IRC David Miliband nhận định đây là “thời điểm tồi tệ nhất”, khi phải đối mặt với rủi ro khí hậu, ngày càng tăng các khu vực xung đột và nợ công, suy giảm hỗ trợ quốc tế.
“Các tiêu đề báo chí ngày nay chủ yếu tập trung vào cuộc khủng hoảng ở Gaza. Có lý do chính đáng cho điều đó. Hiện tại Gaza là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với người dân thường”, ông Miliband nhận định.
Bà Isabelle Arradon tại Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế vào đầu tháng 12 phân tích với CNBC rằng tỷ lệ tử vong do xung đột trên toàn cầu đang ở mức cao nhất kể từ năm 2000. “Tất cả các cảnh báo đỏ đều ở đó, và trên hết, thiếu phương tiện để giải quyết xung đột. Có rất nhiều cạnh tranh địa chính trị và ít mong muốn giải quyết những xung đột chết người này”, bà nói thêm.
Dưới đây là những khu vực có nguy cơ bùng phát xung đột trong năm 2024, do kênh CNBC (Mỹ) tổng hợp, dựa trên phân tích từ các chuyên gia.
Sudan
Lực lượng vũ trang Sudan. Ảnh: Skynews
Vị trí số một trong danh sách theo dõi của IRC là Sudan, nơi giao tranh nổ ra vào tháng 4/2023 giữa giữa quân đội và lực lượng bán quân sự có tên Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF). Các cuộc đàm phán hòa bình do quốc tế làm trung gian ở Saudi Arabia không mang lại giải pháp nào.
IRC cho biết xung đột ở Sudan hiện đã mở rộng thành “chiến tranh đô thị quy mô lớn” và có nguy cơ lan rộng nghiêm trọng trong khu vực, với 25 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp và 6 triệu người phải di dời.
RSF do Tướng Mohammed Hamdan Dagalo lãnh đạo đã mở rộng một cuộc tấn công đa hướng từ “tâm chấn” là thủ đô Khartoum. RSF được cho đã tiến vào miền Trung Sudan lần đầu tiên trong những ngày gần đây, khiến nhiều người dân phải di dời hàng loạt khỏi các khu vực trước đây do Lực lượng vũ trang Sudan nắm giữ.
Bà Isabelle Arradon đánh giá: “Các sáng kiến hòa bình hiện nay rất hạn chế. Rõ ràng, ở cấp độ toàn cầu, có nhiều xao lãng. Do đó, tôi không nghĩ hiện tại có đủ sự tham gia nghiêm túc cấp cao cho các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Sudan. Bởi vậy, cần phải có một cú hích lớn hơn”.
CHDC Congo
Cuộc bầu cử hỗn loạn vào tuần trước tại CHDC Congo đánh dấu khởi đầu của một chu kỳ bầu cử mới sẽ tiếp tục đến năm 2024 trong bối cảnh dễ rạn nứt. Chậm trễ kéo dài tại các điểm bỏ phiếu, trong đó một số điểm không mở cửa cả ngày, khiến sự kiện này kéo dài đến 28/12 ở một số khu vực. Một số ứng cử viên phe đối lập đã kêu gọi hủy bỏ cuộc bầu cử.
Kết quả sơ bộ một phần cho thấy Tổng thống đương nhiệm Felix Tshisekedi đang dẫn trước trong cuộc bỏ phiếu. Chính phủ hôm 26/12 đã cấm các cuộc biểu tình phản đối cuộc bầu cử do 5 ứng cử viên đối lập kêu gọi.
Hỗn loạn chính trị xảy ra trong bối cảnh xung đột vũ trang đang diễn ra ở miền Đông CHDC Congo và tình trạng nghèo đói lan rộng.
Các nhà phân tích tin rằng, cuộc tranh luận kéo dài về kết quả bỏ phiếu có thể dẫn đến xung đột kèm tác động đối với khu vực rộng lớn hơn.
“Chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng. Vào năm 2018, chúng tôi đã thấy việc tranh chấp phiếu bầu là vấn đề lớn như thế nào. Nhưng bây giờ có thêm phiến quân M23 đang gia tăng giao tranh và tiến rất gần đến thành phố Goma”, bà Arradon giải thích.
Phiến quân M23 xuất hiện trở lại ở tỉnh North Kivu tại miền Đông CHDC Congo vào tháng 11/2021. Các nhóm nhân quyền đã cáo buộc M23 về nhiều tội ác chiến tranh kể từ cuối năm 2022 khi nhóm này mở rộng tấn công.
Sự kết hợp giữa bối cảnh chính trị rạn nứt và thiếu lòng tin, nổi dậy vũ trang đang diễn ra và áp lực kinh tế xã hội cực đoan khiến khu vực này trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho xung đột vào năm tới.
Vùng Sahel
Nhiều quốc gia trên khắp Sahel đã trải qua một loạt các cuộc đảo chính quân sự trong vài năm qua, một phần là do tình trạng bất ổn ngày càng tăng khi các chính phủ nỗ lực giải quyết nổi dậy của phiến quân Hồi giáo đang lan rộng khắp khu vực.
Vùng Sahel bao gồm Burkina Faso, Cameroon, Chad, Gambia, Guinea, Mauritania, Mali, Niger, Nigeria và Senegal. Trong đó, Mali, Niger, Burkina Faso, Guinea và Chad đều phải hứng chịu các cuộc đảo chính và bất ổn nghiêm trọng trong ba năm qua.
Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế cũng có lo ngại sâu sắc về khả năng bùng phát xung đột vũ trang ở Haiti, Guatemala, Ethiopia và Cameroon.
Theo TTXVN