Những điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

14/11/2022 - 07:07

 - Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nêu 11 điểm mới. Trong đó, xin ý kiến Quốc hội về 3 nội dung nhạy cảm, còn nhiều quan điểm khác nhau.

Người bị thu hồi đất được lựa chọn nhiều hình thức bồi thường

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 245 điều, nhưng có tới 184 điều bổ sung, sửa đổi; 41 điều bổ sung mới hoàn toàn. Luật quy định điều kiện, tiêu chí, trường hợp nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cùng với đó là trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư công khai, minh bạch, thực thi và giám sát. Đặc biệt, hình thức bồi thường là bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác; bằng nhà ở để người dân lựa chọn. Đất bồi thường quy định theo giá thị trường; tách bạch các khoản bồi thường, khoản hỗ trợ. Khi quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước. Điều này thể hiện thông qua quy định các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên (tại chỗ; trên cùng địa bàn xã, phường; địa bàn tương đồng).

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đáng lưu ý, dự thảo luật cụ thể hóa nguyên tắc người bị thu hồi đất “có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ” theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Quy định cụ thể về đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất

Trong chương “Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất”, ban soạn thảo luật dành riêng 1 mục quy định cụ thể về đấu giá đất, gồm đất đã “sạch” và đất chưa “sạch” cùng đấu thầu các dự án có sử dụng đất. Đối với đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng xong thì phải có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, có quy hoạch chi tiết 1/500, thuộc quỹ đất để đấu giá và một số quy định khác. Đất đem ra đấu giá phải đảm bảo nhiều điều kiện. Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất mà đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ngoài các điều kiện quy định, cần được sự đồng ý của 100% người bị thu hồi đất về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Dự thảo luật cũng quy định về điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất. Việc đấu giá, đấu thầu ngoài tuân theo Luật Đất đai còn bảo đảm quy định các Luật Đấu giá tài sản, Luật Đấu thầu... Luật quy định, UBND cấp tỉnh hàng năm có trách nhiệm công bố kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá, đấu thầu.

Được thế chấp, bán, cho thuê, góp vốn tài sản gắn liền với quyền thuê đất

Một trong những điểm mới quan trọng của dự thảo luật là cho phép các tổ chức, cá nhân thuê đất của nhà nước trả tiền hàng năm sẽ được phép bán, cho thuê, thế chấp, góp vốn đối với tài sản của mình gắn liền với quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất với nhà nước. Luật Đất đai hiện hành chỉ quy định nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm hoặc 1 lần cho cả thời gian thuê cùng với đối tượng có liên quan.

Cụ thể, tài sản đó phải đảm bảo 3 điều kiện: Tạo lập hợp pháp; đã hoàn thành việc xây dựng đúng theo quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận; đối tượng được nhà nước cho thuê đất đã ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp. Dự thảo luật sửa đổi, quy định cụ thể trường hợp thuê đất trả tiền 1 lần và thuê đất trả tiền hàng năm; đồng thời nêu các điều kiện được bán, cho thuê và cả điều kiện của bên nhận chuyển nhượng.

11 điểm mới của dự thảo Luật Đất đai

Cụ thể, mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên 15 lần so hạn mức được giao; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm. Đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, trực tiếp tác động đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, khi thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau. 8 nội dung mới khác trong dự thảo lần này, gồm: Quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của nhà nước và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; chính sách tài chính đất đai, giá đất; phát triển quỹ đất, thị trường quyền sử dụng đất; quản lý sử dụng đất nông nghiệp; quản lý sử dụng đất đa mục đích; về chuyển đổi số và cải cách hành chính; về thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đạo luật này tác động đến mọi mặt đời sống KTXH; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, tác động đến việc thực thi của 88 luật khác. Từ năm 2019, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá, tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và trình Quốc hội đưa dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chính phủ đã tiến hành rà soát 112 luật, bộ luật có quan hệ với dự thảo Luật Đất đai; xác định 88 luật, bộ luật có chứa đựng quy phạm đất đai, trong đó 22 luật, bộ luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn. Các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội yêu cầu việc sửa đổi luật lần này là xây dựng hệ thống pháp luật đất đai đồng bộ, thống nhất, ổn định, tổng thể, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; giải quyết được yêu cầu thực tiễn; phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Sau kỳ họp, Chính phủ tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự án luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề lớn trong phiên họp thứ 18 (tháng 12/2022). Tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong tháng 1 và 2/2023. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện. Đến tháng 10/2023, tại kỳ họp thứ 6, dự thảo luật sẽ được xem xét, thông qua.

N.R