Việc đóng băng xung đột ở Ukraine có thể gây ra những hậu quả đáng kể cho toàn bộ nền kinh tế Nga. Ảnh: RIA Novosti
Cú sốc đầu tiên có thể xảy ra trong năm 2024 là giá dầu tăng lên 150 USD/thùng và cao hơn. “Kịch bản như vậy chỉ có thể xảy ra khi nguồn cung trên thị trường giảm mạnh, dẫn đến tình trạng thiếu dầu. Để làm được điều này, phải có nước phải giảm triệt để khối lượng sản xuất và xuất khẩu”, ông Igor Yushkov, chuyên gia tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga và Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga, cho biết.
Theo ông Yushkov, OPEC+ chắc chắn sẽ không tự mình làm điều này. “Điều đó có nhiều khả năng xảy ra hơn do xung đột quân sự ngày càng lan rộng ở Trung Đông. Đây là kịch bản đóng cửa một phần hoặc toàn bộ eo biển Hormuz, nơi hơn 20% tổng lượng dầu vận chuyển qua. Trường hợp thứ hai là giảm nguồn cung dầu từ Nga nếu các nước phương Tây đi quá xa trong việc đe dọa khách hàng mua dầu của Moskva và Nga không có thị trường bán hàng. Hoặc Mỹ và EU sẽ chặn đội tàu vận chuyển dầu của Nga", chuyên gia Yushkov nêu rõ, lưu ý việc dầu Nga tách khỏi thị trường thế giới sẽ khiến giá tăng lên 150 USD hoặc hơn mỗi thùng.
Cần phải hiểu rằng không ai cần một kịch bản như vậy – cả nhà sản xuất dầu lẫn người mua dầu. “Giá dầu tăng lên 150 USD/thùng sẽ nhanh chóng dẫn đến sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu và giảm tiêu dùng”, chuyên gia Yushkov giải thích.
Kịch bản gây sốc thứ hai là việc Nga ngừng hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, bao gồm cả LNG (khí tự nhiên hóa lỏng). Nguyên nhân có thể là do phương Tây đưa ra lệnh cấm vận khí đốt Nga, hoặc ngăn chặn quá cảnh từ Ukraine, hay phá hủy cơ sở hạ tầng giao thông, bao gồm cả Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen.
Chuyên gia Yushkov coi kịch bản ngừng hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu thông qua hai đường ống ở Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ là có thể xảy ra. Ukraine đã chặn đường ống phía Nam và nguồn cung cấp chỉ đi qua nhánh phía Bắc. Nguồn cung cấp đến châu Âu qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ gần như đã bị dừng vào năm 2023. Bulgaria sắp áp dụng một khoản thuế bổ sung đối với việc vận chuyển khí đốt của Nga chảy qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ với mức thuế 111 USD/1.000 mét khối.
“Đây là một nỗ lực nhằm ngăn chặn quá trình vận chuyển khí đốt bằng cách đưa ra rào cản về tốc độ vận chuyển. Trong trường hợp này, khí đốt của Nga trở nên đắt đỏ và việc mua lại sẽ không có lãi. Mỹ sẽ gây áp lực lên Ukraine để chặn quá cảnh ngay khi mùa lạnh kết thúc. Các quốc gia EU cuối cùng cũng muốn loại bỏ Nga khỏi thị trường khí đốt vận chuyển qua đường ống ở châu Âu”, ông Yushkov nhận định.
Kịch bản gây sốc thứ ba là căng thẳng Mỹ - Trung Quốc leo thang, chặn nguồn cung năng lượng cho Bắc Kinh từ phía Nam (từ châu Phi, Trung Đông và Australia). “Nếu nguồn cung cấp khí đốt và dầu từ phía Nam bị cắt đứt, đó sẽ là sự sụp đổ đối với cả Trung Quốc và toàn bộ nền kinh tế thế giới. Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới, nếu nguồn cung năng lượng của nước này bị cắt, cả thế giới sẽ không có sản phẩm nào”, ông Yushkov lập luận.
Theo chuyên gia Yushkov, Nga thậm chí có thể được hưởng lợi từ kịch bản tiêu cực này, vì Moskva sẽ sẵn sàng cung cấp dầu và khí đốt với số lượng lớn cho Bắc Kinh. Điều này sẽ ngay lập tức khiến Trung Quốc thúc đẩy xây dựng dự án năng lượng Siberia-2.
Kịch bản bất ngờ thứ tư, có tác động đối với nền kinh tế, là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đột ngột chấm dứt vào năm 2024. Điều này có thể mở ra cơ hội hợp tác mới với châu Âu, trước tiên là khôi phục hoạt động buôn bán than và dầu. Tuy nhiên, một kịch bản tích cực như vậy hiện khó có thể xảy ra, đặc biệt nếu xét đến tình hình thực tế, khi các lệnh trừng phạt gần như không bao giờ được dỡ bỏ.
Nhưng việc đóng băng xung đột ở Ukraine có thể gây ra những hậu quả đáng kể cho toàn bộ nền kinh tế Nga. “Kết thúc giai đoạn xung đột 'nóng' sẽ là một 'cú sốc giảm phát' đối với nền kinh tế Nga: hàng trăm nghìn người sẽ quay trở lại thị trường lao động, lạm phát sẽ chậm lại, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ hạ lãi suất xuống dưới 10% từ mức 16% hiện tại”, Fedor Naumov, chiến lược gia trưởng tại PFL Advisors, lưu ý.
Theo Báo Tin Tức