Động thái bất ngờ
Theo kênh CNBC, ngày 2/4, một loạt nước thành viên OPEC+ ra tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu để phòng ngừa những bất ổn trên thị trường thế giới.
Biểu tượng của OPEC. Ảnh: AFP/TTXVN
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho hay nước này sẽ tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng dầu khí thêm 500.000 thùng/ngày từ mức sản xuất trung bình vào tháng 2 cho tới cuối năm 2023. Tuyên bố trên đánh dấu lần thứ hai Nga tuyên bố gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ. Lần đầu tiên được Phó Thủ tướng Novak công bố hồi tháng 2.
Tương tự, Bộ Năng lượng Saudi Arabia ra tuyên bố nước này sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 tới cho đến hết năm 2023. Bộ này cho biết quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô được đưa ra để phối hợp với động thái từ các nước xuất khẩu dầu mỏ khác. Số lượng cắt giảm nêu trên nằm ngoài số lượng cắt giảm đã được thỏa thuận trong phiên họp thứ 33 ngày 22/10/222 của OPEC+.
Cùng ngày, Chính phủ các nước Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Iraq, Oman và Algeria cũng lần lượt công bố tự nguyện cắt giảm 144.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày và 48.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 đến hết năm 2023.
Tổng cộng, OPEC+ đã thông báo cắt giảm sản lượng 1,16 triệu thùng mỗi ngày. Đây là động thái mà thị trường dầu mỏ không lường trước.
Ông Pavel Molchanov, Giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư tư nhân Raymond James cho biết: “Đó là một loại thuế đối với mọi nền kinh tế nhập khẩu dầu mỏ. Mỹ không phải là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá dầu tăng lên 100 USD/thùng mà là các quốc gia không có nguồn dầu mỏ trong nước: Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Pháp...”
Cơ sở lọc dầu ở thị trấn Gubkinsky, phía Tây Siberia, Nga. AFP/TTXVN
Theo số liệu mới nhất, dầu thô Brent theo hợp đồng tương lai có giá giao dịch cao hơn 0,57% và ở mức 85,41 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ theo hợp đồng tương lai tăng 0,5% lên 81,11 USD/thùng.
Ông Henning Gloystein, Giám đốc công ty tư vấn Eurasia Group cho biết: “Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất vì động thái cắt giảm nguồn cung dầu và giá dầu thô tăng vọt là những khu vực phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng. Điều đó có nghĩa là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành công nghiệp ở các thị trường mới nổi vốn phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, đặc biệt là ở Nam và Đông Nam Á, cũng như các ngành công nghiệp nặng siêu phụ thuộc vào nhập khẩu ở Nhật Bản và Hàn Quốc”.
Các quốc gia bị ảnh hưởng nhất
Ấn Độ
Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba trên thế giới và đã mua dầu giá rẻ của Nga kể từ khi Nga bị phương Tây trừng phạt.
Theo dữ liệu của chính phủ, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ đã tăng 8,5% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Gloystein nhận định: “Mặc dù họ vẫn đang có lời do mua khí đốt giá rẻ của Nga, nhưng họ đã bị thiệt hại do giá than và khí đốt tăng cao. Nếu giá dầu tăng cao hơn nữa, ngay cả dầu thô giảm giá của Nga cũng sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Ấn Độ”.
Nhật Bản
Dầu mỏ là nguồn năng lượng quan trọng nhất ở Nhật Bản và chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung cấp năng lượng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết: “Do không sản xuất nhiều dầu trong nước nên Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu thô, trong đó khoảng 80% đến 90% đến từ khu vực Trung Đông”.
Hàn Quốc
Theo công ty nghiên cứu độc lập Enerdata, tương tự với Hàn Quốc, dầu mỏ chiếm phần lớn nhu cầu năng lượng của nước này.
Ông Molchanov cho biết: “Hàn Quốc và Italy phụ thuộc hơn 75% vào dầu nhập khẩu”.
Ngoài ra, theo ông Gloystein, châu Âu và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Trung Quốc ít bị ảnh hưởng hơn một chút do có sản xuất dầu trong nước, còn toàn bộ châu Âu chủ yếu dựa vào hạt nhân, than đá và khí đốt tự nhiên thay vì nhiên liệu hóa thạch.
Tác động đến các nền kinh tế mới nổi
Cơ sở lọc dầu Aramco ở Riyadh, Saudi Arabia. AFP/TTXVN
Theo ông Molchanov, một số thị trường mới nổi không có ngoại tệ để hỗ trợ nhập khẩu các nhiên liệu này và sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá dầu tăng lên 100 USD. Ông kể tên các nước như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Pakistan là những nền kinh tế có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Sri Lanka, quốc gia không sản xuất dầu trong nước và phụ thuộc 100% vào nhập khẩu, cũng rất dễ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Ông Amrita Sen, người sáng lập Energy Aspects, cho biết: "Các quốc gia có ít ngoại tệ nhất và phải nhập khẩu dầu sẽ bị thiệt hại nhiều nhất vì dầu được định giá bằng đồng USD".
Giá 100 USD/thùng sẽ không kéo dài mãi
Mặc dù dầu có thể sắp tăng lên 100 USD/thùng nhưng sẽ không tồn tại lâu. Ông Molchanov nhận định: “Về lâu dài, giá dầu lại có thể trở về mức khoảng từ 80 đến 90 USD/thùng hoặc hơn như hiện nay”.
Trong khi đó, ông Gloystein cho biết: “Một khi giá dầu thô đạt 100 USD/thùng và giữ nguyên ở đó một thời gian, thì điều đó sẽ khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng trở lại”.
Theo Báo Tin Tức