Những quốc gia được miễn trừ khỏi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ

31/08/2023 - 18:23

Ấn Độ đã “bật đèn xanh” xuất khẩu gạo đến một số quốc gia vì mục đích an ninh lương thực.

Nông dân tách vỏ trấu khỏi hạt gạo ở ngoại ô thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng Bloomberg (Mỹ) đưa tin nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới quyết định bán 79.000 tấn gạo tẻ thường (non-basmati white rice) tới Bhutan, 50.000 tấn đến Singapore và 14.000 tấn đến Mauritius. Đây là thông tin được Bộ Thương mại Ấn Độ công bố ngày 30/8.

Hôm 20/7, Ấn Độ đã ban bố lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường nhằm kiểm soát giá cả trong nước. Bên cạnh đó, Ấn Độ cho biết sẽ chấp thuận xuất khẩu gạo nếu được đề nghị để đáp ứng nhu cầu an ninh lương lực của các quốc gia khác.

Ấn Độ cung cấp 40% lượng gạo xuất khẩu trên thế giới, tới các hơn 150 quốc gia. Trong năm 2022, New Delhi đã xuất kỷ lục 22,2 triệu tấn gạo.

Một cửa hàng gạo ở Bangalore, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ First Post (Ấn Độ) cho biết kể từ giai đoạn đầu New Delhi công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, giới chức Singapore đã đề nghị Ấn Độ miễn trừ cho nước này. Singapore vốn phụ thuộc nhiều vào Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu về gạo. 40% gạo Singapore nhập khẩu năm 2022 bắt nguồn từ Ấn Độ.

Quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ nhằm xoa dịu giá cả gia tăng trong nước và đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên lo ngại về lạm phát thực phẩm toàn cầu. Ngoài Singapre, nhiều quốc gia khác cũng ngỏ ý muốn được miễn trừ khỏi lệnh cấm, ví dụ như Indonesia và Philippines. Trên 3 tỷ người trên thế giới sử dụng gạo như một thực phẩm thiết yếu.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu một số loại gạo, vì biện pháp này sẽ tác động đến lạm phát toàn cầu và làm gia tăng tình trạng bấp bênh về giá lương thực trên thế giới.

Theo TTXVN