Khủng hoảng lan rộng từ sự sụp đổ của ngân hàng SVB và SB
Khách hàng bên ngoài SVB. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 10/3, Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ, đã tuyên bố đóng cửa. SVB sụp đổ sau khi khách hàng đổ xô tới rút tiền trong tuần này do lo lắng về tình trạng tài chính của ngân hàng. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Vụ sụp đổ của SVB chính là hồi chuông cảnh báo về những điểm yếu tiềm ẩn có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cả khách hàng và nhân viên ở những ngân hàng khác. Thực tế, nguy cơ này đã trở thành hiện thực khi chỉ hai ngày sau, tức ngày 12/3, đến lượt Signature Bank (SB) - một ngân hàng lớn khác của Mỹ trong ngành công nghiệp tiền điện tử - cũng ngừng hoạt động.
Diễn biến phức tạp của hệ thống ngân hàng tại Mỹ đã nhanh chóng tác động tới mạng lưới tài chính toàn cầu. Cụ thể, hầu hết thị trường chứng khoán đã giảm điểm, trung bình khoảng 2%. Tâm lý hoang mang của nhiều nhà đầu tư sau “cú sốc SVB” cũng khiến thị trường chứng khoán của Mỹ, EU lẫn châu Á lao dốc, và làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu khi hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư bị “mắc kẹt”.
Trong khi thị trường tài chính toàn cầu đang căng như dây đàn, cổ phiếu Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ lại "sụp hầm" sau tuyên bố của ông Ammar al-Khudairy - Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia - cổ đông lớn nhất từ sau khi bơm tiền cứu Credit Suisse hồi tháng 11/2022. Trả lời Đài truyền hình Bloomberg TV, ông này nói không hề có ý định góp thêm tiền theo đề nghị của Credit Suisse.
Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng hai nước đã hành động nhanh chóng, kịp thời. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã cho Credit Suisse vay khẩn cấp 50 tỷ franc. Tính đến hết ngày 16/3, trong 5 hôm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bơm hơn 164 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng qua các công cụ của mình, nhiều hơn kỷ lục vay theo tuần là 111 tỷ USD trong khủng hoảng tài chính 2008. Trước hành động cụ thể này, vào ngày 12/3, nghĩa là chỉ 2 ngày sau sự kiện đổ vỡ của SVB, Bộ Tài chính Mỹ, Fed và Công ty Bảo hiểm liên bang (FDIC) đã phát đi thông báo quan trọng, nhấn mạnh người gửi tiền tại SVB có quyền tiếp cận tất cả số tiền của họ. Hôm sau, đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng trấn an rằng “Tiền gửi của quý vị có sẵn khi quý vị cần”. Đây là những khác biệt cơ bản, giúp ngăn chặn sợ hãi lây lan dẫn tới sụp đổ của hệ thống.
Hai quốc gia đầu tiên gửi chiến đấu cơ cho Ukraine
Máy bay chiến đấu MiG-29 của Không quân Ba Lan. Ảnh: Reuters
Ngày 16/3, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố nước này sẽ cung cấp 4 máy bay MiG-29 cho Ukraine trong những ngày tới, trở thành quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đầu tiên gửi chiến đấu cơ tới Kiev.
“Về vấn đề máy bay chiến đấu MiG-29, loại máy bay vẫn đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận Ba Lan, một quyết định đã được đưa ra ở cấp cao nhất, chúng tôi có thể tự tin nói rằng chúng tôi sẽ gửi MiG-29 tới Ukraine”, kênh CNN (Mỹ) dẫn tuyên bố của Tổng thống Duda cho biết.
Chỉ một ngày sau, Slovakia cũng thông báo sẽ gửi 13 chiếc MiG-29 cho Ukraine.
Ukraine cho rằng trong khi Kiev cảm thấy “biết ơn” về đợt vận chuyển trên thì các máy bay thời Liên Xô này vẫn chưa đủ. Theo người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine Yuri Ignat, các máy bay chiến đấu MiG-29 không thể thay đổi đáng kể tình hình xung đột.
“MiG sẽ không giải quyết được các nhiệm vụ, chúng tôi cần F-16”, ông Ignat cho hay, đồng thời nhận định, mặc dù MiG giúp tăng cường khả năng chiến đấu, nhưng Ukraine cần các máy bay chiến đấu đa nhiệm từ phương Tây để đạt được lợi thế trước đối phương.
Về phần mình, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng kế hoạch của Ba Lan và Slovakia gửi máy bay chiến đấu MiG-29 tới Ukraine giống như nỗ lực thanh lý các thiết bị lỗi thời.
“Đây là một ví dụ khác về cách một số quốc gia thành viên NATO, bao gồm cả Ba Lan, đang tăng cường can dự trực tiếp vào cuộc xung đột” ông Peskov nói. Ông cũng lưu ý rằng động thái của 2 nước Đông Âu không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động quân sự của Nga thay vào đó có thể gây ra nhiều đau khổ hơn cho Ukraine và người dân nước này.
Tổng thống Hàn Quốc thăm Nhật Bản
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ngày 16 - 17/3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có chuyến công du Nhật Bản và dự cuộc gặp thượng đỉnh cùng Thủ tướng Kishida Fumio.
Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Tổng thống Yoon kể từ khi ông lên nắm quyền và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc tới đất nước Mặt Trời mọc trong gần 4 năm qua.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Tokyo, hai bên đã nhất trí bình thường hóa hoàn toàn Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA), chia sẻ các thông tin liên quan đến các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên để cùng phối hợp phản ứng.
Hai bên cũng cam kết cải thiện quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Thủ tướng Kishida khẳng định Nhật Bản sẽ sớm nối lại các hình thức đối thoại an ninh với Hàn Quốc và thiết lập khuôn khổ đối thoại an ninh kinh tế mới trong bối cảnh khu vực tiềm ẩn bất ổn.
Nhật Bản quyết định dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với ba nguyên liệu quan trọng được dùng để sản xuất chất bán dẫn và tấm màn hình dẻo gồm flo polyimide, chất quang dẫn và hydro florua sang Hàn Quốc, trong khi Hàn Quốc cam kết hủy bỏ khiếu nại Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hai nước cũng lên kế hoạch tiếp tục đàm phán để khôi phục lại “danh sách trắng” các đối tác thương mại tin cậy của nhau. Hai nhà lãnh đạo khẳng định hai nước có cơ hội mở ra chương mới trong quan hệ song phương.
Theo các nhà phân tích, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng thống Hàn Quốc được cho là bước đi phá băng, đánh dấu bước ngoặt trong cải thiện mối quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai nước đồng minh tại khu vực Đông Bắc Á. Việc nối lại các cuộc tiếp xúc vốn đình trệ lâu nay giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sẽ tiếp thêm động lực để hai nước hàn gắn, đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng, vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng cho cả hai nước, khu vực cũng như toàn thế giới.
Căng thẳng Moskva – Washington leo thang sau vụ UAV Mỹ rơi ở Biển Đen
Máy bay chiến đấu Su-27 của Nga trong một cuộc tập trận đa quốc gia. Ảnh: Sputnik
Ngày 14/3, Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ ngày 14/3 cho biết hai tiêm kích Su-27 của Nga đã áp sát UAV MQ-9 Reaper trên không phận quốc tế ở Biển Đen.
Mỹ cáo buộc hai chiếc Su-27 Nga nhiều lần xả nhiên liệu và bay về phía chiếc MQ-9 một cách “liều lĩnh và thiếu chuyên nghiệp”, khi đang thực hiện nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) thông thường. Một tiêm kích Nga sau đó va vào cánh quạt UAV, khiến phi cơ trị giá hơn 30 triệu USD này rơi xuống Biển Đen.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận việc xảy ra va chạm, cho rằng UAV Mỹ rơi do phi công điều khiển xử lý sai.
“Máy bay không người lái MQ-9 đã ngoặt gấp, mất kiểm soát và rơi. Các chiến đấu cơ Nga không sử dụng vũ khí, không tiếp xúc với UAV và đã trở về sân bay an toàn”, Bộ Quốc phòng Nga cho hay. Bộ này cáo buộc chiếc Reaper Mỹ đã bay gần biên giới và xâm phạm “khu vực hạn chế” do giới chức Nga thiết lập.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu gọi các chuyến bay không người lái của Mỹ ngoài khơi bờ biển Nga là “có tính chất khiêu khích” và có nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở Biển Đen.
Ông Shoigu cho rằng mặc dù Nga không mong muốn một diễn biến như vậy, nhưng nước này sẽ “tiếp tục đáp trả tương xứng với mọi hành động khiêu khích” và hai cường quốc hạt nhân “phải hành động một cách có trách nhiệm nhất có thể”, bao gồm việc duy trì một kênh quân sự mở để thảo luận về bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Tướng Patrick Ryder cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang tiến hành giải mật hình ảnh từ vụ việc, và họ tin rằng Nga vẫn chưa thu hồi được chiếc máy bay không người lái bị rơi.
Vụ việc đánh dấu lần đầu tiên máy bay quân sự Nga và Mỹ đối đầu trực tiếp kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine hơn một năm trước và có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia. Giới quan sát cảnh báo, nó gợi nhắc tới mối đe dọa về nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa 2 cường quốc hạt nhân - một kịch bản có thể khiến tình hình vượt tầm kiểm soát.
Lễ trao giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar lần thứ 95
Sân khấu Lễ trao giải Oscar thường niên lần thứ 95. Ảnh: AFP
Tối ngày 12/3 (theo giờ Mỹ), giải thưởng điện ảnh Oscar lần thứ 95 đã diễn ra tại Nhà hát Dolby ở thành phố Los Angeles (Mỹ).
Trong mùa giải năm nay, chiến thắng “đậm” nhất đã thuộc về bộ phim “Everything Everywhere All At Once” khi đã giành được tới 7 giải thưởng trên tổng số 11 đề cử với các hạng mục: phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, nữ chính xuất sắc nhất, nam - nữ phụ xuất sắc, kịch bản gốc xuất sắc.
Xếp thành tích thứ 2 tại Oscar năm nay là “All quiet on the Western front”, giành về 4 tượng vàng, trên tổng số 9 đề cử gồm: Phim quốc tế hay nhất, Quay phim xuất sắc, Nhạc phim gốc hay nhất và Thiết kế mỹ thuật xuất sắc. Đây là bộ phim chính kịch do ekip Đức sản xuất. Phim dựa trên cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1928 của tác giả người Đức Erich Maria Remarque kể về nỗi kinh hoàng của Chiến tranh thế giới thứ I từ góc nhìn của một người lính Đức trẻ tuổi.
Đặc biệt, mùa giải năm nay đánh dấu thành tích lớn của các ngôi sao châu Á, như giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thuộc về ngôi sao gốc Á Dương Tử Quỳnh cho vai diễn trong phim “Everything Everywhere All at Once”. Nam diễn viên gốc Á Quan Kế Huy cũng đã được xướng tên ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Oscar 2023 cũng chứng kiến điều đầu tiên trong lịch sử khi vinh danh ca khúc “Naatu Naatu” của phim RRR ở hạng mục Ca khúc gốc hay nhất. Đây là lần đầu một bài hát Ấn Độ được đề cử và chiến thắng ở hạng mục này.
Oscar là giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ, được trao hàng năm để ghi nhận những thành tựu xuất sắc của điện ảnh trong năm về đạo diễn, diễn xuất, kịch bản và nhiều lĩnh vực khác
Theo HẢI VÂN (Báo Tin Tức)