Ông Trump hậu bị truy tố: Người quay lưng lạnh lùng, kẻ hết lời bảo vệ

14/06/2023 - 20:11

Loạt các ý kiến trái chiều ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa về việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị truy tố liên bang tội danh lưu giữ trái phép tài liệu mật.

Tờ Miami Herald mô tả hàng trăm người hôm 13/6 (giờ Mỹ) đội mũ MAGA và cầm các biểu ngữ ủng hộ ông Trump bên ngoài tòa án liên bang ở Miami. MAGA - viết tắt của cụm từ Make America Great Again (tạm dịch: Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) – là một trong những khẩu hiệu tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump.

Bên trong tòa án, ông Trump phải hầu tòa với 37 cáo buộc liên quan lưu giữ trái phép tài liệu mật ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình ở Florida sau khi rời Nhà Trắng. Ông Trump đắc cử tổng thống thứ 45 nước Mỹ và nắm quyền giai đoạn 2017-2021.

Đông đảo người ủng hộ lẫn phản đối ông Trump trước tòa án liên bang ở Miami hôm 13-6. Ảnh: Miami Herald

Việc ông Trump lần thứ hai hầu tòa hình sự - lần đầu vào tháng 4 năm nay với cáo buộc ở New York liên quan đến khoản tiền bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels - và trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố cấp liên bang đã gây loạt các ý kiến trái chiều ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa.

Đối thủ nội bộ chỉ trích

"Nếu bản cáo trạng này là đúng người, đúng tội thì ông Trump đã quá liều lĩnh với an ninh của nước Mỹ" – bà Nikki Haley, cựu Thống đốc bang Nam Carolina, nói với Fox News hôm 12/6 (giờ Mỹ).

Vị cựu nữ đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và là một trong những ứng viên đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024 nói thêm rằng: "Các tài liệu mật đó có thể khiến tất cả quân nhân của chúng ta gặp nguy hiểm".

Nhà Trắng phủ nhận liên quan vụ ông Trump bị truy tố vì xử lý sai tài liệu mật. "Tổng thống đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng: Bộ Tư pháp hoạt động độc lập" - thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định hôm 13/6.

Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Tim Scott của bang Nam Carolina, một đối thủ khác của ông Trump, lên tiếng nói với truyền thông Mỹ rằng "đây là vụ việc nghiêm trọng với các cáo buộc nghiêm trọng".

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr cũng gọi bản cáo trạng truy tố ông Trump là "rất đáng chỉ trích ngay cả khi chỉ một phần trong đó là sự thật". Ông Bill Barr từng giữ cương vị Bộ trưởng Tư pháp Mỹ dưới thời ông Trump.

Ngay cả cựu Phó Tổng thống Mike Pence cũng nói rằng ông không thể phản đối những cáo buộc chống lại ông Trump. Sau khi đọc bản cáo trạng, ông Pence gọi những cáo buộc đó là "rất nghiêm trọng" trong cuộc phỏng vấn ghi âm của The Wall Street Journal hôm 13-6.

"Đây là những phản ứng hoàn toàn khác so với việc ông Trump bị đại bồi thẩm đoàn Manhattan buộc tội vào tháng 3" – tờ Miami Herald bình luận – "Khi đó, các đảng viên Cộng hòa đồng loạt bảo vệ ông và gọi việc truy tố là mang động cơ chính trị".

Ông Trump bắt tay người ủng hộ ở TP Miami hôm 13/6. Ảnh: AP

Những tiếng nói bảo vệ

Bên cạnh luồng ý kiến chỉ trích, không ít đảng viên Cộng hòa lên tiếng bảo vệ vị cựu tổng thống 77 tuổi.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio hôm 13/6 (giờ Mỹ) đã đăng trên Twitter rằng bản cáo trạng liên bang chống lại ông Trump "phóng đại thiệt hại (nếu có)".

Tương tự, cựu Thống đốc bang Florida Rick Scott cho rằng đây là "cuộc chơi chính trị" nhằm loại bỏ ông Trump, một đối thủ lớn nhất của đương kim Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử vào năm sau.

Một số đối thủ của ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2024 cũng đứng về phía ông. Doanh nhân Vivek Ramaswamy (ứng viên sơ bộ của đảng Cộng hòa) cam kết nếu đắc cử tổng thống Mỹ sẽ miễn tội của ông Trump và kêu gọi các ứng viên khác trong đảng làm điều tương tự.

"Nếu ông Donald Trump không tham gia tranh cử sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho ứng viên như tôi" – ông Vivek Ramaswamy phát biểu – "Tuy nhiên, tôi không muốn giành chiến thắng bằng việc loại bỏ đối thủ của mình thông qua cảnh sát liên bang".

Cho tới thời điểm hiện tại, đối thủ lớn nhất của ông Trump trong nội bộ đảng Cộng hòa là Thống đốc bang Florida Ron DeSantis vẫn chưa đưa ra bất cứ tuyên bố công khai nào về vụ ông Trump.

Ông Trump phản pháo

Hôm 13-6, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện tại phiên tòa ở TP Miami, bang Florida - Mỹ. Ông Trump bị buộc tội với 37 tội danh, bao gồm cố ý lưu giữ thông tin quốc phòng, âm mưu cản trở công lý, giữ lại tài liệu hoặc hồ sơ, che giấu tài liệu trong cuộc điều tra liên bang...

Ông phủ nhận tất cả cáo buộc nhằm vào mình, tuyên bố vô tội thông qua các luật sư. Trong trang phục vest xanh và cà vạt đỏ, ông đã cau mày và ngả người ra ghế nhưng không phát biểu trong phiên tòa kéo dài 47 phút.

Trong bài phát biểu sau phiên tòa, ông Trump nhắm vào công tố viên đặc biệt Jack Smith và Bộ Tư pháp Mỹ. Dù vậy, ông cho rằng việc cựu Phó Tổng thống Mike Pence không bị truy tố là đúng.

"Họ làm đúng khi không đưa ra cáo buộc chống lại cựu Phó Tổng thống Mike Pence về việc xử lý tài liệu mật. Tôi rất vui vì điều đó. Mike không làm gì sai, chỉ tình cờ là có tài liệu mật trong nhà ông ấy" - ông Trump nói với những người ủng hộ trước khi chỉ đích danh Smith, người mà ông cho rằng đã làm "những công việc mang tính chính trị".

Tối 13-6 (giờ địa phương), phát biểu tại CLB Bedminster ở bang New Jersey, ông Trump nói: "Hôm nay, chúng ta chứng kiến sự lạm dụng quyền lực tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước chúng ta. Đây là điều rất đáng buồn. Một cuộc đàn áp chính trị".

Ông Trump một lần nữa tuyên bố rằng mình "được quyền giữ tài liệu mật theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống".

Tuy nhiên, trước Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, tổng thống Mỹ có quyền sở hữu giấy tờ trong nhiệm kỳ của họ. Còn hiện tại, tất cả đều phải giao nộp chúng cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ.

Theo BẰNG HƯNG - PHẠM NGHĨA (Người lao động)