Công nhân dọn dầu loang tại bờ biển ở thị trấn Ancon, Peru sau sự cố tràn dầu liên quan thảm họa núi lửa phun trào ở Tonga, ngày 22-/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Peru ngày 22-1 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường dọc khu vực bờ biển bị ảnh hưởng bởi sự cố tràn dầu.
Chính phủ Peru cho biết sắc lệnh tình trạng khẩn cấp về môi trường sẽ kéo dài trong 90 ngày. Ngoài ra, Peru cũng lên kế hoạch "quản lý bền vững" 21 bãi biển bị ô nhiễm do 6.000 thùng dầu tràn ra từ một tàu chở dầu đang dỡ hàng tại nhà máy lọc dầu La Pampilla gần thủ đô Lima tuần trước.
Tàu chở dầu này thuộc Tập đoàn năng lượng Repsol (Tây Ban Nha), gặp sóng lớn bất thường phát sinh từ thảm họa núi lửa phun trào ở Tonga cách đó khoảng 10.000km.
Theo Bộ Môi trường Peru, một trong những mục đích của việc ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp là tổ chức, phối hợp tốt hơn các cơ quan và đội nhóm xử lý thảm họa. Trong ngắn hạn, Repsol cần chịu trách nhiệm dọn dẹp dầu tràn khẩn cấp.
Vụ tràn dầu xảy ra sau khi núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai ngoài khơi Tonga phun trào, gây sóng thần không chỉ ập vào các bờ biển Tonga mà còn lan rộng ra nhiều khu vực ở Nam Thái Bình Dương, trong đó quốc gia cách xa hơn 2.000km như New Zealand cũng chịu ảnh hưởng.
Tại Peru, dầu tràn đã khiến 174ha biển, bãi biển và các khu bảo tồn thiên nhiên bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến việc đánh bắt cá và ngành du lịch.
Trong những ngày qua, lực lượng chức năng đã tiến hành dọn dẹp dầu tràn, song dầu thô vẫn tiếp tục lan rộng, tới 40 km kể từ vị trí tràn dầu ban đầu. Chính phủ Peru đang yêu cầu Tập đoàn Repsol phải bồi thường thiệt hại.
Về phần mình, Repsol cho biết sự cố tràn dầu xảy ra do các đợt sóng lớn trên Thái Bình Dương trong khi chính phủ không đưa ra cảnh báo, vì vậy, tập đoàn này không phải chịu trách nhiệm về sự cố. Bên cạnh đó, Repsol cho biết đã nỗ lực hết sức để khắc phục sự cố tràn dầu./.
Theo NGỌC HÀ (TTXVN/Vietnam+)