Công dân tốt, dám nghĩ, dám làm
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, kết quả này là công bằng và hợp lý, đúng theo tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Khi cán bộ làm vì lợi ích chung, không vụ lợi, nếu gặp rủi ro sẽ được xem xét kỹ lưỡng.
Trong “cơn lốc” tiền bạc mang tên Việt Á, hàng loạt quan chức, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao đã gục ngã trước ma lực của đồng tiền, nhưng ông Nguyễn Thành Danh là người hiếm hoi không bị khuất phục trước sự cám dỗ của tiền bạc. Ông là người dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ ở tuyến đầu chống dịch.
Tòa đánh giá là người “dám nghĩ dám làm”, đã đưa ra những quyết sách “vì sức khỏe người dân” và nhiều lần từ chối nhận tiền của Việt Á nên miễn trách nhiệm hình sự.
Còn khi đánh giá lại, Viện kiểm sát cho rằng, quá trình nghiên cứu hồ sơ nhận thấy ông Danh có nhân thân tốt, là công dân ưu tú, không hưởng lợi.
Luật sư Nguyễn Thành Công và ông Nguyễn Thành Danh
Luật sư Nguyễn Thành Công đánh giá "Ông Danh có nhân cách đáng kính trọng, khó khăn không chùn bước, tiền bạc không thể làm bị cáo lung lay. Nhưng nghiệt ngã thay, ông lại nhận quyết định khởi tố trong chính ngày nhận quyết định nghỉ hưu".
Có lẽ, không cần phân tích thêm những đánh giá rất đúng và trúng, có lý, có tình của nhiều cơ quan với ông Nguyễn Thành Danh như trên.
Trước đó, khi nêu quan điểm đối với một số bị cáo trong vụ án Tet kist Việt Á, ngày 16/8/2023, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cũng đã có ý kiến cho rằng các trường hợp vi phạm trong dịch bệnh nhưng không vụ lợi thì Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất chủ trương "miễn trách nhiệm hình sự”.
Trong báo cáo gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng đề nghị "nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi thì cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt".
Đôi điều rút ra trong ứng xử với cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm
Mấy năm nay, hiện tượng một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm trở thành một trong những chủ đề nóng trong các hội nghị. Nhiều văn bản, chỉ thị của các cấp, các ngành đã được ban hành nhằm khắc phục hiện tượng trên.
Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều, trong đó hệ thống văn bản pháp luật chồng chéo, thiếu nhất quán, bất cập; cách vận dụng luật cứng nhắc trong quá trình tố tụng là hai trong số những nguyên nhân cơ bản.
Với hệ thống pháp luật như vậy, khi những cán bộ có thẩm quyền ra quyết định về một quyết sách cụ thể, có thể đúng với luật này nhưng lại sai với luật khác; hoặc đúng với luật nhưng lại sai với nghị định, thông tư. Điều đó rất dễ dính vào lao lý.
Còn với cách vận dụng luật cứng nhắc theo kiểu căng dây kẻ chỉ thì những người dám nghĩ, dám làm rất dễ liên đới đến lao lý như ông Nguyễn Thành Danh là một ví dụ.
Giải thích của vị đại diện Viện kiểm sát, rằng quá trình nghiên cứu hồ sơ nhận thấy ông Nguyễn Thành Danh có nhân thân tốt, là công dân ưu tú, không hưởng lợi có lẽ là kinh nghiệm tốt.
Nếu có được nhãn quan như vậy, “công dân ưu tú” Nguyễn Thành Danh (đến tuổi nghỉ hưu nhưng được yêu cầu ở lại tiếp tục công tác để tham gia chống dịch) đã không bị tổn thương cả về thể xác lẫn nhân phẩm.
Hy vọng rằng, hành động dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của ông Danh được đánh giá, ghi nhận lại sẽ giúp khơi thông nhiệt huyết của nhiều cán, công chức trong thực thi công vụ.
Để cán bộ, công chức tự tin và nhiệt huyết trong thực thi công vụ, việc cốt yếu nhất, cấp thiết nhất là phải có hành lang pháp lý thống nhất, căn cơ, rạch ròi và phải có đội ngũ cán bộ tư pháp rất nghiêm minh nhưng cũng phải rất công tâm và nhất quán trong bảo vệ công lý.
Xin nhắc lại đánh giá của Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên nói tại Hội nghị về công tác giải ngân đầu tư công của TP. HCM: "Việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cựu Giám đốc CDC Bình Dương có ý nghĩa động viên khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm. Công chúng rất ủng hộ phán quyết này của tòa án".
Theo Vietnamnet