Số liệu trên được đề cập tại báo cáo kết quả thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 (lĩnh vực thanh tra), được Thanh tra Chính phủ gửi đến Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Về kết quả công tác thanh tra, báo cáo nêu, trong năm 2021, 2022, 2023 và quý I/2024, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 25.091 cuộc thanh tra hành chính và 609.188 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Các cơ quan thanh tra đã ban hành 385.881 kết luận thanh tra; qua thanh tra chấn chỉnh, quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. (Ảnh: VOV)
"Phát hiện vi phạm về kinh tế 416.762 tỷ đồng, 18.588 ha đất. Trong đó kiến nghị thu hồi 238.511 tỷ đổng và 1.552 ha đất. Xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 178.251 tỷ đồng", báo cáo dẫn số liệu.
Theo Thanh tra Chính phủ, các cơ quan thanh tra đã ban hành 412.857 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 15.924 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 14.514 tập thể và 24.272 cá nhân. Đồng thời, ngành Thanh tra chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.413 vụ, 1.071 đối tượng.
Các cơ quan thanh tra cũng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 26.092 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Trong đó, 16.930 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 80% tổng số kết luận thanh tra được đôn đóc, kiểm tra).
Về kết quả đôn đốc, kiểm tra, Thanh tra Chính phủ cho biết, các cơ quan chức năng đã thu hồi 11.051 tỷ đồng và 33.182 ha đất; xử lý khác về kinh tế 7.404 tỷ và 99.522 ha đất; xử lý hành chính 15.809 tổ chức và 29.626 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 397 vụ, 546 đối tượng; khởi tố 55 vụ, 131 đối tượng.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng thông tin, công tác thanh tra thời gian qua được triển khai theo chương trình kế hoạch và thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực; chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất.
Thanh tra Chính phủ dẫn chứng một số cuộc thanh tra điển hình bao gồm: Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh; thanh tra công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc lập, triển khai Dự án Thủy điện Hồi Xuân sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh.
Hay việc thanh tra toàn diện quá trình đề xuất, triển khai thực hiện Dự án Xi măng Quang Sơn, thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các địa phương cung cấp cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia; thanh tra việc cổ phần hoá, thoái vốn tại Tổng Công ty đầu tư phát triển Dic và Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa, thanh tra chuyên đề trách nhiệm công vụ, thanh tra trái phiếu, thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng...
"Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật. Phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật. Trong đó, việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có nhiều tiến bộ", báo cáo nhận định.
Theo ANH VĂN (VTC News)