Đội Quản lý thị trường số 12 (Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh) kiểm đếm hàng hóa vi phạm trước khi tiến hành tiêu hủy tại Nhà máy Công ty cổ phần Môi trường Việt Úc.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn có cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế với lưu lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu lớn nhất cả nước cho nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới và tiêu thụ trong thị trường nội địa cũng xuất hiện nhiều thủ đoạn mới, tinh vi.
Nhiều điểm nóng vi phạm
Theo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn quản lý vẫn diễn biến phức tạp, biến tướng, xuất hiện nhiều hình thức gian lận mới. Trong năm 2023, các đơn vị thuộc Cục Hải quan thành phố đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 2.759 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 3.853 tỷ đồng. Trong đó, có 2 vụ buôn lậu, 3 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, 36 vụ vi phạm về ma túy, 37 vụ vi phạm về kiểm soát hải quan, 2.679 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, 2 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ hàng giả.
Hải quan thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính 2.716 vụ, với tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách nhà nước đạt 38,3 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố 2 vụ; chuyển cơ quan khởi tố 47 vụ. Các vi phạm liên quan buôn lậu, gian lận thương mại tập trung vào một số hành vi chủ yếu như không khai báo, khai báo hải quan không đúng với thực tế hàng hóa, tuyến đường của lô hàng. Cùng với đó, các đối tượng lợi dụng cơ chế thông thoáng về chính sách hàng quá cảnh, chỉ khai báo tên hàng theo nhóm hàng khi làm thủ tục hải quan, không chi tiết tên hàng trong lô hàng (trong đó có thể có hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng có thuế suất cao)…
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường, 11 tháng năm 2023, toàn đơn vị thực hiện tổng số 4.607 vụ kiểm tra chuyên ngành, trong đó số vụ vi phạm là 4.190 vụ, tăng 1.825 vụ (tăng 77,16% so với cùng kỳ năm 2022); tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 85,4 tỷ đồng (tăng 89,8%); trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 59,7 tỷ đồng (tăng 12,9%); trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 116 tỷ đồng; trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 4,32 tỷ đồng.
Các mặt hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm nhãn hiệu được bảo hộ nổi cộm như quần áo, giày dép, mắt kính, túi xách, ví, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, dụng cụ làm đẹp, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, phụ kiện điện thoại di động, hàng điện gia dụng, văn phòng phẩm, vải, thuốc lá điếu và thuốc lá thế hệ mới… Trong đó, có nhiều mặt hàng lậu được chuyển về từ hướng biên giới Tây Nam, sau đó tập kết tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỏa đi các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngày 8/11, Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra điểm chứa trữ và kinh doanh hàng hóa trên đường Nguyễn Giản Thanh, Phường 15, Quận 10 phát hiện tại đây đang kinh doanh 5.972 đơn vị sản phẩm thuốc tân dược không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên đã lập biên bản tạm giữ số hàng trên để tiếp tục xử lý theo quy định. Trước đó, ngày 7/11, Đội Quản lý thị trường số 16 kiểm tra Công ty U.U.P, tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân phát hiện tại đây đang kinh doanh 5.303 đơn vị sản phẩm dụng cụ làm đẹp không có hóa đơn, chứng từ nên đã lập biên bản tạm giữ số hàng trên để tiếp tục xử lý theo quy định.
Kết quả xử lý, xử phạt với số tiền là 65 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm. Ngày 3/11, Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra điểm chứa trữ và kinh doanh hàng hóa trên đường Quang Trung, Phường 10, quận Gò Vấp phát hiện tại đây đang kinh doanh 6.114 đơn vị sản phẩm quần áo, vớ tất có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu thương hiệu nước ngoài nên đã lập biên bản tạm giữ số hàng trên để tiếp tục xử lý theo quy định.
Kiểm soát địa bàn trọng điểm
Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra dự báo trong những tháng cuối năm 2023, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh nên tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng sẽ tiếp tục tăng mạnh với lợi thế giá rẻ, đa dạng chủng loại, hình thức. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những hậu quả về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa không bảo đảm. Nguồn hàng hóa được chuyển từ hướng biên giới Tây Nam về tập kết tại các kho hàng, điểm trung chuyển, chứa trữ và được bày bán, kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trọng điểm, trung tâm thương mại.
Cục Quản lý thị trường thành phố tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tập trung đẩy mạnh hơn nữa thực hiện các biện pháp nghiệp vụ giám sát, thẩm tra, xác minh để kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng vi phạm tại các địa bàn trọng điểm, nổi cộm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và tại các kho bãi, điểm chứa trữ hàng hóa. Các Đội Quản lý thị trường tăng cường phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt chú ý đến nhóm mặt hàng: xăng dầu, thực phẩm, mỹ phẩm, hóa chất, thức ăn chăn nuôi…
Phó Cục trưởng Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Ổn cho biết, nhằm tăng cường triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Cục Hải quan thành phố yêu cầu các đơn vị làm tốt công tác nghiệp vụ, tăng cường công tác thu thập xử lý thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm tại địa bàn khu vực cửa khẩu: đường bộ, khu kinh tế cửa khẩu, khu tập kết hàng hóa gần biên giới, cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
Theo Nhân Dân