Quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

29/01/2024 - 03:40

 - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch nhằm định hướng, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp VLXD, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của nước ta.

Khai thác quặng bô-xít. (Ảnh: T.L)

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập cho tất cả các nhóm/loại khoáng sản làm VLXD (trừ khoáng sản làm VLXD thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ). Ranh giới các khu vực phân bố khoáng sản và chế biến khoáng sản làm VLXD trên diện tích đất liền, hải đảo và thềm lục địa của cả nước. Phạm vi quy hoạch có điều chỉnh mở rộng so nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 131/QĐ-TTg (chỉ trên phạm vi diện tích đất liền).

Quy hoạch cho các nhóm khoáng sản được phân theo mục đích sử dụng: Nhóm khoáng sản làm xi-măng (đá vôi làm xi-măng; sét làm xi-măng; cát kết, bazan, laterit, puzolan... làm phụ gia xi-măng). Nhóm khoáng sản làm đá ốp lát, mỹ nghệ (đá vôi, đá dolomit, đá hoa, đá granit, đá gabro, đá bazan, đá metacarbonat...). Nhóm khoáng sản làm gốm sứ, vật liệu chịu lửa (cao lanh, felspat, đất sét trắng, đất sét chịu lửa, thạch anh, quarzit...). Nhóm khoáng sản làm kính xây dựng (cát trắng, felspat, đá vôi, dolomit). Nhóm khoáng sản làm vôi công nghiệp (đá vôi, dolomit)...

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, mục tiêu quy hoạch nhằm phát triển bền vững hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD hiệu quả, tương xứng với tiềm năng khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất VLXD cho nền kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan. Hình thành ngành khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD tập trung, đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, phù hợp với xu thế của thế giới.

Phát huy hiệu quả các cơ sở chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD hiện có, như: Sản phẩm làm xi-măng, vôi công nghiệp, đá hoa, cát trắng silic... đồng thời, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành.

Để giải quyết, khắc phục các vấn đề môi trường trong quy hoạch, việc áp dụng các công cụ quản lý môi trường trong công tác kiểm soát phát triển KTXH, hạ tầng kỹ thuật rất quan trọng. Trước tiên là kiểm soát ngay từ công tác lập quy hoạch thông qua công cụ quy hoạch môi trường và đánh giá môi trường chiến lược. Sau đó là áp dụng các công cụ kiểm soát tác động môi trường trong quá trình quản lý thực hiện quy hoạch, quản lý đô thị, quá trình đầu tư xây dựng… bằng công cụ đánh giá tác động môi trường; quá trình hoạt động của đô thị bằng công cụ kiểm soát ô nhiễm, công cụ kinh tế, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo các chuyên gia, quá trình lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD cần phải lập báo cáo môi trường chiến lược đầy đủ, trong đó đánh giá và đề xuất các giải pháp định hướng lớn làm cơ sở cho lập các dự án, lập ĐTM (báo cáo đánh giá tác động môi trường). Quy hoạch bảo vệ môi trường với mục tiêu ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm môi trường; bảo vệ và giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, khu vực khai thác khoáng sản...

Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và phát triển các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu trong quy hoạch và phát triển đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, sự biến động khí hậu bất lợi đối với môi trường; ứng cứu và khắc phục có hiệu quả sự cố ô nhiễm môi trường do thiên tai gây ra. Thực hiện phân vùng quản lý môi trường để quản lý phát triển KTXH và triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường theo mục tiêu phát triển bền vững. Phân vùng môi trường theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác đã được định hướng trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.

Báo cáo quy hoạch đã tổng hợp, phân tích các điều kiện tự nhiên, KTXH các vùng có phân bố khoáng sản làm VLXD; các căn cứ pháp lý cho xây dựng quy hoạch. Báo cáo đã phân tích đánh giá tác động hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD đến các lĩnh vực, ngành KTXH, dự báo bối cảnh phát triển quốc gia, các ngành, địa phương và dự báo nhu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản làm VLXD cho phát triển trong kỳ quy hoạch; đánh giá tài nguyên - trữ lượng, đánh giá hiện trạng công tác thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng, nhân lực, công nghệ - thiết bị trong khai thác - chế biến khoáng sản làm VLXD, lấy kết quả thực hiện các mục tiêu của quy hoạch kỳ trước làm cơ sở đề xuất các nhiệm vụ trong kỳ quy hoạch mới.

HỮU HUYNH