
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu
Thẩm quyền của cơ quan điều tra
Theo Thông tư 11/2025 của Bộ Công an, có hiệu lực từ ngày 1/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) có 4 đơn vị, gồm: Văn phòng Cơ quan CSĐT; Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Cục Cảnh sát hình sự); Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục Cảnh sát kinh tế) và Cục CSĐT tội phạm về ma túy. Về nhiệm vụ, quyền hạn, Văn phòng Cơ quan CSĐT và Cục Cảnh sát hình sự giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự đã rõ cá nhân hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về tội phạm quy định các chương XIV, XV, XVI, XVII, XXI, XXII và XXIV của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trừ trường hợp thuộc thẩm quyền điều tra của Cục Cảnh sát kinh tế.
Cục Cảnh sát kinh tế giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về tội phạm quy định tại Chương XVIII, Chương XIX, Chương XXIII, các điều từ Điều 174 đến 180, Chương XVI (trong trường hợp đối tượng lợi dụng tư cách pháp nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ký kết hợp đồng kinh tế để phạm tội) và Điều 324, Chương XXI, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đối với Cục Cảnh sát ma túy giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về tội phạm quy định tại Chương XX của Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, 4 đơn vị này cũng có quyền điều tra vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan CSĐT do Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hủy để điều tra lại theo phân công của thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Ở cấp tỉnh, Cơ quan CSĐT cũng có 4 đơn vị, gồm: Văn phòng Cơ quan CSĐT; Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát kinh tế và Phòng CSĐT tội phạm về ma túy. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm quy định từ Chương XIV đến Chương XXIV của Bộ luật Hình sự năm 2015 khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh, cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao và Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT).
Đối với Cơ quan ANĐT tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia, hoặc để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an. Đối với những vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia, hoặc để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an quyết định phân công cơ quan ANĐT công an cấp tỉnh tiến hành điều tra.
Thẩm quyền của VKSND
VKSND cấp huyện có thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự đối với cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh khi thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án quy định tại mục 1, mục 2 nêu trên. Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ việc, vụ án mà phát hiện vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát của VKSND cấp tỉnh báo cáo chuyển vụ việc, vụ án lên VKSND cấp trên, đồng thời thông báo cho cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh.
VKSND cấp huyện có thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm, người phạm tội ra tự thú, đầu thú của công an cấp xã, đồn công an và hoạt động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên, cán bộ điều tra thuộc cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh bố trí ở công an cấp xã, đồn công an. VKSND cấp huyện có thẩm quyền kiểm sát nơi tội phạm xảy ra, trường hợp tội phạm xảy ra ở nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì VKSND cấp huyện có thẩm quyền kiểm sát nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
VKSND cấp tỉnh có thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự đối với cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh khi thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án quy định mục 3 nêu trên.
Trường hợp xét thấy cần thiết, VKSND cấp tỉnh rút vụ việc, vụ án tại mục 2, để trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết.Trường hợp VKSND cấp tỉnh thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra đối với vụ việc, vụ án do cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh thụ lý, giải quyết quy định tại mục 2 thì VKSND cấp tỉnh quyết định việc truy tố.
Chậm nhất 2 tháng trước khi kết thúc điều tra, VKSND tỉnh thông báo cho VKSND cấp huyện nơi tòa án cùng cấp có thẩm quyền xét xử để cử kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi ra quyết định truy tố, VKSND cấp tỉnh quyết định phân công cho VKSND cấp huyện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng,VKSND cấp huyện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo quy định.
Trong bối cảnh tiến hành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Thông tư liên tịch 02/2025 quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức công an cấp huyện, nhằm đảm bảo quan hệ phối hợp giữa cơ quan CSĐT, VKSND và TAND khi chưa điều chỉnh, sửa đổi các luật có liên quan.
Để các quy định của thông tư liên tịch triển khai, thi hành hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm các quy định thông tư liên tịch, pháp luật có liên quan, quyết liệt đấu tranh trấn áp các loại tội phạm; tiếp tục gương mẫu, đi đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng các bộ, ngành kiểm tra, sơ kết, đánh giá việc thực hiện quy định, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
|
N.R