Quyết liệt tiến công trấn áp tội phạm mua bán người

07/10/2020 - 10:04

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, thời gian qua, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BÐBP) chỉ đạo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT và TP) phối hợp BÐBP các tỉnh, thành phố trọng điểm mở các đợt cao điểm tiến công, trấn áp, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây mua bán người. Ðiển hình các chuyên án A820, A920.2, HG420… giải cứu nhiều nạn nhân, tạo dư luận rất tốt trong xã hội, góp phần đem lại cuộc sống bình yên của nhân dân miền biên giới.

Cán bộ điều tra BÐBP lấy lời khai một nạn nhân của đường dây mua bán người trong chuyên án A820

Vào đêm muộn, giữa tháng 8 vừa qua, thực hiện kế hoạch đấu tranh Chuyên án A820, tại khu vực biên giới xã Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), các chiến sĩ Cục PCMT và TP phối hợp BÐBP tỉnh Lạng Sơn mật phục, phát hiện xe ô-tô khả nghi do một phụ nữ trung tuổi điều khiển chở sáu phụ nữ vào khu vực biên giới, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Sau khi đề nghị được kiểm tra giấy tờ, người phụ nữ khai tên là Nông Thúy Nga, ở TP Lạng Sơn. Nga là một mắt xích trong đường dây mua bán người. Chỉ một ngày sau đó, mở rộng điều tra, lực lượng đánh án bắt Bế Ngọc Tăng, đối tượng chuyên tổ chức cho người Việt Nam xuất cảnh trái phép. Ðồng thời giải cứu thêm ba nạn nhân tại Hà Nội, trong đó có một trẻ sơ sinh mới một ngày tuổi. Ngay tối đó, Cục PCMT và TP phối hợp Trung tâm Phụ nữ và phát triển - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đưa các nạn nhân vào "Ngôi nhà bình yên" hỗ trợ, bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật.

Chỉ sau đó gần một tháng, thực hiện kế hoạch đấu tranh Chuyên án A920.2, ngày 13-9, tại khu vực biên giới xã Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) cán bộ, chiến sĩ Cục PCMT và TP chủ trì, phối hợp BÐBP tỉnh Cao Bằng tổ chức ngoại tuyến, mật phục, phát hiện, ngăn chặn ba xe gắn máy chở ba nạn nhân nữ (trong đó có hai phụ nữ đang mang thai) vào khu vực biên giới để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, mục đích để những phụ nữ này sinh con tại Trung Quốc, sau đó bán trẻ sơ sinh. Mở rộng điều tra, lực lượng đánh án bắt giữ ba đối tượng trong đường dây, đưa những phụ nữ có thai từ các tỉnh Ðiện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa đến Cao Bằng, giao cho các đối tượng đưa dẫn, tổ chức xuất cảnh trái phép…

Ðây chỉ là hai chuyên án điển hình trong tổng số hàng chục chuyên án do lực lượng BÐBP xác lập, đấu tranh thành công từ đầu năm 2020 đến nay. Ðã bắt giữ, điều tra, xử lý 29 vụ với 14 đối tượng; giải cứu, phối hợp giải cứu 53 nạn nhân. Những nạn nhân sau khi giải cứu, các đơn vị BÐBP tiến hành hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu, cấp giấy xác nhận, chuyển nạn nhân đến các trung tâm công tác xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội, các cơ sở của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tổ chức quốc tế. Trường hợp nạn nhân có nguyện vọng được trở về gia đình, BÐBP hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn cho nạn nhân và người thân, hướng dẫn làm các thủ tục nhận chế độ hỗ trợ theo quy định.

Ðánh giá về những kết quả đã đạt được, tại hội nghị tổng kết ba chuyên án đấu tranh chống tội phạm mua bán người của BÐBP năm 2020, do Bộ Tư lệnh BÐBP tổ chức tại Cao Bằng, đồng chí Triệu Ðình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng, đánh giá: "Kết quả đó là kết tinh của trí tuệ, bản lĩnh, ý chí của toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng BÐBP nói chung, BÐBP tỉnh Cao Bằng nói riêng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng đồng bào biên giới, tăng thêm tình đoàn kết quân dân trên biên giới". Thiếu tướng Lê Quang Ðạo, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BÐBP nhận xét: Các chiến công và thành tích trong ba chuyên án HG420, A820, A920.2 đã ngăn chặn, triệt phá đường dây, bắt giữ khởi tố tám đối tượng, giải cứu 15 nạn nhân, trong đó có trẻ sơ sinh một ngày tuổi, trẻ em hai tuổi và những người phụ nữ đang mang thai, thành công đó đã mang lại hạnh phúc cho các gia đình, dòng tộc và quê hương có những nạn nhân được giải cứu; mang lại niềm tin yêu của Ðảng, Nhà nước và nhân dân đối với quân đội nói chung, lực lượng BÐBP nói riêng và với các cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân, hội phụ nữ và các ban, ngành, đoàn thể liên quan.

Theo đánh giá của BÐBP, tình hình tội phạm mua bán người trên khu vực biên giới ngày càng diễn biến phức tạp, trọng điểm là tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Các đối tượng hình thành đường dây, có tổ chức, xuyên quốc gia, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất nghiêm trọng, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng triệt để lợi dụng công nghệ thông tin để lừa gạt nạn nhân, như: Thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram, Wechat… Thậm chí sử dụng tên giả, hình ảnh là cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an nhằm tạo lòng tin đối với nạn nhân; lập địa chỉ giả để dụ dỗ, giả vờ yêu đương, rủ đi chơi, mua sắm tại các chợ giáp biên giới để lừa bán ra nước ngoài hoặc thông qua các hình thức môi giới hôn nhân, giới thiệu lao động ở nước ngoài; cho, nhận con nuôi để lừa gạt, đưa nạn nhân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài bán. Ðáng chú ý, thời gian gần đây nổi lên hoạt động tìm phụ nữ có thai ngoài ý muốn, tổ chức xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc sinh, sau đó bán trẻ sơ sinh hoặc tổ chức các hoạt động mang thai hộ bất hợp pháp. Hoặc tuyển mộ người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hứa giới thiệu việc lương cao, sau đó bán cho các chủ tàu khai thác hải sản trên biển nhằm bóc lột sức lao động. Ðối tượng phạm tội đa dạng, ngoài những đối tượng có tiền án, tiền sự hoạt động chuyên nghiệp, một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng nước ngoài khi trở về nước đã dụ dỗ, lừa bán người khác. Một số đối tượng làm ăn buôn bán trên biên giới lợi dụng thông thuộc địa hình để lừa nạn nhân bán ra nước ngoài. Nạn nhân bị mua bán từ khắp các địa phương trong cả nước, bao gồm cả nam và nữ trong độ tuổi lao động sinh sống từ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khoảng 75% số nạn nhân bị bán sang Trung Quốc.

Dự báo về tình hình tội phạm này trong thời gian tới, Ðại tá Phan Thăng Long, Phó Cục trưởng PCMT và TP cho biết: Thời gian tới, khi nước ta tiếp tục thực hiện hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, nhất là việc thực hiện cam kết Cộng đồng ASEAN sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch, hợp tác xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm mua bán người. Ðể tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người, lực lượng BÐBP quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch cao điểm tiến công, trấn áp loại tội phạm này từ nay đến cuối năm 2020. Làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; triển khai các đề án đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống tội phạm, công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên khu vực biên giới.

Từ năm 2012 đến 2020, các đơn vị xây dựng 356 kế hoạch nghiệp vụ, xác lập 144 chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán người. Phối hợp các lực lượng trong nước và ngoài nước giải cứu, tiếp nhận tổng số 1.527 nạn nhân. Trong đó, BÐBP xác lập 141 chuyên án, phối hợp lực lượng công an đấu tranh ba chuyên án. Bắt giữ, khởi tố, điều tra 168 vụ với 264 đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu 721 nạn nhân (trong đó nhiều nạn nhân là trẻ em, trẻ sơ sinh); tiếp nhận 564 nạn nhân do Trung Quốc trao trả, 242 nạn nhân tự trở về.

Theo ĐẶNG THANH HÀ (Báo Nhân Dân)